Cứ 6 giờ chiều, khi nắng dần tắt và gió bắt đầu thổi lộng cũng là lúc ông Nguyễn Văn Diệu, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) lại đưa cháu nội đi thả diều. Trên cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong còn thơm mùi rơm mới, hai ông cháu chạy đà trên những thửa ruộng mấp mô, nâng cánh diều bay lên cao dần, cao dần. Đứa cháu nhỏ thích thú, say mê ngắm nhìn theo cánh diều hình chiếc trực thăng đang no gió, chao liệng trên bầu trời xanh ngắt.
Ông Diệu bảo rằng, bây giờ bọn trẻ bận rộn với việc học hành gần như quanh năm. Vào dịp nghỉ hè thì lại mải miết với những chuyến du lịch cùng bố mẹ, sau đó tiếp tục học tập ở Trung tâm tiếng Anh, học thêm các môn văn hóa... thành ra, ông và cháu cũng không có nhiều thời gian bên nhau.
Năm nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ nghỉ hè của các cháu bắt đầu sớm hơn và cũng không thể tham gia các hoạt động vui chơi nơi đông người. Để cháu nội có một mùa hè vui tươi đúng nghĩa, ông Diệu hướng dẫn cháu vào những thú chơi dân dã như thả diều.
"Thế hệ chúng tôi, mùa hè gắn với việc bắt cua, mò ốc, chăn trâu, cắt cỏ để phụ giúp gia đình, nhưng cũng ngập tràn niềm vui con trẻ với những buổi tắm sông, thả diều, đá bóng… Chúng tôi tự làm diều để thả. Đó là những cánh diều làm bằng giấy bao xi măng, hoặc sang hơn là bằng túi ni lông, dán bằng nhựa cây sung hoặc… cơm nguội.
Còn nhớ, có lần cánh diều đang no gió thế mà trời bỗng đổ cơn mưa to, không kịp thu diều, chiếc diều được cả bọn nâng niu gìn giữ bỗng ướt nhoét và chỉ còn là đám giấy bỏ đi, khiến đứa nào đứa nấy thẫn thờ. Những hình ảnh mộc mạc vậy thôi mà đã trở thành phần ký ức không thể nào quên..."- ông Diệu chia sẻ.
Không có nhiều sân chơi rộng rãi như ở nông thôn, nhưng những đứa trẻ ở thành phố cũng háo hức, say mê với những cánh diều đủ màu sắc, hình dáng. Anh Nguyễn Ngọc Thành, phố Nhật Tân (thành phố Ninh Bình) ngày nào cũng cho con đạp xe đi thả diều.
Anh Thành cho biết: ở đây không gian rất rộng rãi, phù hợp để các cháu thả diều mà vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn trong phòng dịch COVID-19. Tôi khuyến khích con chăm ngoan mỗi ngày để được bố thưởng cho một chuyến đi… thả diều, vì thế bé tỏ ra rất háo hức, thích thú. Tôi muốn giúp con lưu giữ lại cho mình những ký ức tuổi thơ êm đềm từ thú vui thả diều. Không những mang lại niềm vui cho con trẻ, mà người lớn khi thả diều cũng cảm nhận được nguồn năng lượng rất tích cực, cuộc sống trở nên thư thái và bình dị…
Bà Bùi Thị Vui là chủ một cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ ở khu vực chợ Rồng. Mùa hè, bao giờ bà cũng bán thêm một món đồ chơi mới, đó là diều. Bà Vui bảo, bán thêm cánh diều, lời lãi chả đáng bao nhiêu đâu, nhưng nhìn mỗi phụ huynh đưa con đi chọn diều, nhìn vào ánh mắt háo hức của trẻ thơ, tôi thấy cũng vui lây.
Giá một chiếc diều cũng đa dạng, từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng, tùy vào kích cỡ và kiểu dáng công phu, phức tạp của con diều. Với số tiền vừa phải, phụ huynh cũng có thể chọn mua cho con những cánh diều hình máy bay, siêu nhân, người dơi, bươm bướm… có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.
Nhưng hấp dẫn và có giá thành cao hơn, vẫn là diều sáo. ở tỉnh ta, có xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh) là địa phương vẫn gìn giữ được nghề làm diều sáo, dù rằng số người làm diều giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bà Vui vẫn lấy hàng ở đó để bán, nhưng khách mua chủ yếu là những người sành chơi diều. Theo những người sành chơi, thì chơi diều hơn nhau không phải là ở cánh diều lớn hay bé, mà phải ở độ cao và đặc biệt là ở âm thanh của tiếng sáo.
Cánh diều lớn hay bé, hình con gì hay họa tiết ra sao là do sức sáng tạo của người làm diều. Nhưng tiếng sáo lại là nơi thể hiện tiếng lòng, nội tâm của người làm diều. Ai cũng muốn gửi gắm những gì tinh túy nhất vào tiếng sáo, sao cho mỗi lần cánh diều bay lên, thì người xem thấy say, thấy nhớ tiếng sáo ấy.
Vậy nên, làm diều thì đơn giản, song để tạo ra tiếng sáo hay thì không phải ai cũng làm được. Vì sự kỳ công ấy mà giá thành của chiếc diều sáo đắt hơn nhiều so với diều thường. Thế nhưng, người mua vẫn thấy xứng với đồng tiền bỏ ra khi được chiêm ngưỡng cánh diều no gió và trình diễn những bản nhạc với nhiều sắc thái trầm bổng như một dàn nhạc điêu luyện trong thinh không.
Bài, ảnh: Đào Hằng