PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả chính về trồng cây, gây rừng; quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh trong năm qua? Đ/c Nguyễn văn Dương: Trong năm 2016 tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện chức năng của mình, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho Tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng: trồng cây, gây rừng; phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2017-2020; thành lập quỹ bảo vệ và phát triển rừng Ninh Bình; xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng; chủ động tham mưu và triển khai các phương án phòng chống cháy rừng... Tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển 2 khu rừng đặc dụng (Hoa Lư, Vân Long); hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc điều chế rừng phòng hộ tại địa bàn các xã của huyện Nho quan Và Tam Điệp; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; thu thập thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh trên diện tích đất rừng sản xuất và diện tích đất liền kề rừng. Với công tác quản lý lâm sản, trong năm đã cấp mới 12 giấy chứng nhận kèm hồ sơ nuôi nhốt động vật rừng; cấp đổi giấy chứng nhận cho 1 hộ; tiếp nhận và bàn giao một số cá thể động vật rừng cho Trung tâm cứu hộ Cúc Phương. Trong công tác bảo vệ rừng, lực lực kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, ban lâm nghiệp xã tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc; chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng tại gốc, nhất là ở các khu vực giáp ranh; đôn đốc các chủ rừng triển khai kế hoạch bảo vệ rừng. Trong công tác phát triển rừng, đã triển khai phương án trồng rừng thay thế, tham gia kiểm tra xác minh rừng ngập mặn; rà soát diện tích khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng... Kết quả, đã tổ chức bảo vệ cho 15.380 ha; khoanh nuôi tái sinh 111,4 ha rừng. Trồng mới 24,49 ha rừng phòng hộ; trồng lại rừng sau khai thác 450 ha.Trồng 1.000.000 cây phân tán các loại...
PV: Đồng chí cho biết kế hoạch và nhiệm vụ của phong trào Tết trồng cây năm 2017 và công tác chuẩn bị cho hoạt động này?
Đ/c Nguyễn văn Dương: Năm 2017 toàn tỉnh phấn đấu trồng lại rừng sản xuất sau khai thác 384 ha rừng (huyện Nho Quan trồng 350 ha, huyện Gia Viễn trồng 27 ha, thành phố Tam Điệp trồng 7 ha). Trồng 1.000.000 cây phân tán các loại, trong đó: Thành phố Ninh Bình trồng 100.000 cây; thành phố Tam Điệp trồng 75.000 cây; huyện Nho Quan trồng 250.000 cây ; huyện Gia Viễn trồng 250.000 cây; huyện Hoa Lư trồng 50.000 cây; huyện Yên Khánh trồng 75.000 cây; huyện yên Mô trồng 100.000 cây; huyện kim Sơn trồng 100.000 cây). Theo công văn số 09/UBND-VP3 ngày 18/1/2017 của UBND tỉnh, điểm phát động tết trồng cây của Tỉnh năm nay là tại khu Trung tâm thể dục thể thao TP Tam Điệp. Các huyện, thành phố khác chủ động bố trí địa điểm, số lượng cây, loại cây và tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhới ơn Bác Hồ" cùng vào sáng ngày 3/2/2017 (tức mùng 7 tết Đinh Dậu). Trong ngày đầu phát động Tết trồng cây toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 80.445 cây, ngay tại các điểm phát động sẽ trồng khoảng 952 cây các loại...Đến thời điểm 18 tháng 1 năm 2017 các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch cụ thể Tết trồng cây tại địa phương, đơn vị mình; cơ bản hoàn thiện công tác chuẩn bi: Liên hệ các cơ sở cung ứng cây giống đăng ký mua cây, đào hố trồng, chuẩn bị phương tiện phục vụ cho Tết trồng cây
PV: Để phong trào đi vào thực chất và hiệu quả đồng chí có ý kiến gì ?
Đ/c Nguyễn văn Dương: Tết trồng cây không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng mà còn là nhiệm vụ mở đầu của năm mới, tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân ngay từ những ngày đầu Xuân. Để tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" hiệu quả, thiết thực, trước hết, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của "Tết trồng cây". Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, gây rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017 theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 - 2020 đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và Kế hoạch trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác năm 2017. Các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với khu vực trồng cụ thể, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao. Tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý bảo vệ cây sau trồng, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, phân công trách nhiệm, giao khoán quản lý cụ thể đến từng cá nhân, đơn vị để bảo đảm cây trồng, rừng trồng phát triển tốt. Việc lựa chọn cây trồng khu vực đường phố, đường giao thông khu công cộng nên chọn cây lâu năm, phân cành cao tránh ảnh hưởng tới giao thông, ít sâu bệnh. Một số cây nên lựa chọn như Sao Đen, Bằng lăng, Hoa Ban, Lát Hoa; với kích thước cây nên chọn cây có đường kính từ 2cm trở lên và chiều cao từ 1,5 m trở lên tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc, bảo vệ về sau này.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc