Hiện toàn tỉnh đã có hơn 460 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" trên các lĩnh vực như: mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình HTX chăn nuôi dê núi đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; mô hình sản xuất mắm tép an toàn, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP…
Toàn bộ số nông sản từ các mô hình này chủ yếu bán cho thương lái hoặc bán lẻ tại các chợ truyền thống và một phần được tiêu thụ ở các cửa hàng nông sản sạch do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thành lập. Một số mặt hàng đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, tuy nhiên nỗi lo vẫn hiện hữu khi trên thị trường còn nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến cho ranh giới giữa sản phẩm an toàn, chất lượng cao và sản phẩm không an toàn, chất lượng thấp chưa được phân biệt rõ.
Hơn nữa để nông sản sạch có thể chinh phục những thị trường khó tính hơn, đưa sản phẩm vào được các chuỗi siêu thị thì thực sự vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh: một trong những việc cần triển khai trước tiên là phải xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông sản giúp người tiêu dùng có thể nhận diện nguồn gốc và an tâm khi sử dụng sản phẩm. Việc sử dụng tem nhãn điện tử được đánh giá có thể giải quyết tốt những yêu cầu này. Đây là một loại tem điện tử có chứa mã xác thực dưới dạng mã QR Code và được doanh nghiệp, người sản xuất dán lên trên những sản phẩm do mình sản xuất và cung cấp. Trên bề mặt tem chứa những thông tin được mã hóa, khi sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng quét mã QR, mọi thông tin về sản phẩm như: nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như lưu ý khi sử dụng sản phẩm hoặc thông tin liên quan đến sản phẩm sẽ hiện ra. Nhờ đó mà người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi chọn mua.
Trong năm 2019, các cấp Hội đã từng bước triển khai tuyên truyền, vận động giúp hội viên, nông dân làm quen với Tem nhãn điện tử. Đồng thời tiến hành hỗ trợ trực tiếp đối với Cơ sở sản xuất rau Vietgap của ông Tống Viết Vinh ở xóm 4, xã Mai Sơn (Yên Mô) từ việc cung cấp thông tin đến việc hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để làm tem. Ông Vinh cho biết: chúng tôi được Hội Nông dân tỉnh trao hơn 20 nghìn chiếc tem điện tử với trị giá khoảng 8 triệu đồng. Khi dán tem này lên các sản phẩm rau, củ quả của trang trại thì dù ở đâu chỉ cần một thiết bị điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể quét mã nhận diện sản phẩm từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình, thậm chí là ngày thu hoạch, hạn sử dụng và các chứng chỉ kèm theo. Tuy nhiên, khi triển khai thì buộc chúng tôi phải làm quen với việc ghi chép và lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất.
Cuối tháng 12 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ hơn 20 nghìn chiếc tem truy xuất nguồn gốc cho Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh. Theo lãnh đạo HTX: Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là nâng cao chất lượng sản phẩm, chinh phục thị trường khó tính, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị. Để làm được việc này, sản phẩm cần được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Ông Hoàng Văn Hà, thành viên của Hợp tác xã phấn khởi tiếp lời: khi sử dụng tem này, chúng tôi có thể bảo vệ và phát triển, nâng cao tính cạnh tranh tốt hơn cho "thương hiệu" ổi lê Đài Loan của mình; tạo được niềm tin đến khách hàng nhiều hơn; chia sẻ được dữ liệu thời gian cho các đối tác thu mua, giúp họ yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm… Điều này càng khiến chúng tôi chú trọng nhiều hơn nữa đến kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc ổi để đảm bảo an toàn cao nhất cho người sử dụng.
Tuy nhiên, để nhân rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại bởi đây là ứng dụng mới và lần đầu tiên được áp dụng đối với nông sản thực phẩm; trong khi đó sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, nông sản mang tính thời vụ nên việc dán tem không được thường xuyên, mặt khác người tiêu dùng lại chưa có thói quen sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Để khuyến khích hoạt động này, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm dành nguồn vốn hỗ trợ các mô hình sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc gắn, sử dụng sản phẩm có tem. Đại diện Hội Nông dân tỉnh cũng mong muốn mỗi người tiêu dùng cũng như cộng đồng xã hội ưu tiên lựa chọn những hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, tạo động lực cho các đơn vị, các mô hình không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Đào Duy