Tuy không chọn là xã tốp đầu hoàn thiện xây dựng nông thôn mới của huyện Hoa Lư, song xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, trúng với tâm tư, nguyện vọng của người dân, trong những năm qua, xã Ninh Mỹ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Từ tháng 4-2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ninh Mỹ mới đạt 6/19 tiêu chí, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ nhiệt tình của con em quê hương đang công tác trong và ngoài tỉnh, sự đồng thuận cao của nhân dân, đến nay, xã Ninh Mỹ đã đạt 17/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Năm 2015, xã Ninh Mỹ đăng ký hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy còn 2 tiêu chí về giáo dục và văn hóa, nhưng đây lại là 2 tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Mỹ đoàn kết, nỗ lực, đồng thuận cao mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo tính toán, với hệ thống nhà văn hóa thôn, xóm, nhà văn hóa xã, cơ sở vật chất trường mầm non và hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã cần nguồn kinh phí ước trên 70 tỷ đồng. Qua kinh nghiệm 4 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, giải pháp trước mắt, quan trọng được Ninh Mỹ đặt ra là tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cùng với nguồn kinh phí của xã từng bước hoàn thiện các tiêu chí đề ra.
Ông Lê Văn Sết, xóm Tây Đình, HTX Liên Thành, xã Ninh Mỹ cho biết: Hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, được Ban Công tác Mặt trận thôn vận động, gia đình đã tình nguyện tháo dỡ tường bao và hiến gần 60m2 đất là diện tích xây quán bán hàng để mở rộng đường vào thôn, đồng thời tiếp tục đóng góp tiền và công lao động theo quy định của xóm để mua vật liệu làm đường, xây dựng hệ thống thoát nước. Việc làm của ông Sết góp phần cùng các hộ dân trong xóm nhanh chóng hoàn thiện con đường liên thôn dài gần 400 m, trị giá gần 500 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ bằng xi măng, còn lại do nhân dân đóng góp.
Đồng chí Trần Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho biết: Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động của toàn xã Ninh Mỹ đạt trên 74 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước trên 17 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 10 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp gần 14 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn do nhân dân đóng góp trên 33 tỷ đồng. Xã có 9 nhà văn hóa thôn, xóm, trong đó 8 thôn xây mới và 1 thôn sửa chữa nâng cấp; hiện 5 thôn cơ bản xây dựng xong, còn lại phấn đấu hết năm 2015 sẽ hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Tranh thủ nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, xã đã trích kinh phí hỗ trợ trung bình mỗi thôn 150 triệu đồng, cùng với nhân dân đóng góp, mỗi nhà văn hóa được xây dựng trị giá khoảng 500 triệu đồng. Đối với việc làm đường giao thông, Ninh Mỹ tiếp tục vận động bà con hiến đất, hiến ngày công lao động, đóng góp tiền của cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước để làm, phấn đấu cuối năm 2015 có hệ thống đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn và đạt 19/19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đối với xã Quỳnh Lưu (Nho Quan), sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của Quỳnh Lưu đã có sự đổi thay đáng kể, đặc biệt là hệ thống đường, trường, điện, trạm. Nhân dân xã Quỳnh Lưu đã tự bỏ vốn xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, các công trình vệ sinh chăn nuôi, mua sắm trang bị máy móc phục vụ sản xuất gần 150 tỷ đồng, hiến gần 9 nghìn m2 đất làm đường giao thông nông thôn, trên 36 nghìn m2 đất làm giao thông thủy lợi nội đồng, đóng góp gần 4,6 tỷ đồng và trên 3,7 nghìn ngày công làm 84 tuyến đường với chiều dài gần 16km đường bê tông; đóng góp trên 8,5 tỷ đồng đào đắp gần 400 nghìn m3 đất đá, làm giao thông thủy lợi nội đồng, hoàn thành dồn điền, đổi thửa trên 720 ha đất sản xuất nông nghiệp…, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại và sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Đồng chí Phạm Ngọc Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lưu cho biết: Với 14/19 tiêu chí đã hoàn thiện, đối với các tiêu chí còn lại như đường giao thông nông thôn, thủy lợi, tiêu chí thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa và hộ nghèo đã đạt khoảng 80% hiện đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Lưu tìm nhiều giải pháp, nỗ lực triển khai thực hiện. Thuận lợi của xã là mới đây được Đại tướng Trần Đại Quang về thăm và trao tặng 1 nghìn tấn xi măng, xã sẽ tích cực huy động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công tập trung hoàn thành 3km đường liên thôn, 4,6 km đường trục thôn xóm, hoàn thiện công trình phụ trợ nhà văn hóa xã, chỉnh trang nâng cấp 11 nhà văn hóa thôn; tiếp tục đào tạo nghề giải quyết việc làm, hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 3%..., phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quỳnh Lưu kháng Nhật (11-8-1945-11-8-2015).
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp tiền của, ngày công, trong hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 100 nghìn tấn xi măng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn; trong đó, riêng đường giao thông nông thôn đã làm được trên 7.500 tuyến với chiều dài trên 850.000m. Ngoài ra, các công trình hạ tầng thiết yếu như trường, trạm, chợ... cũng được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn. Tổng huy động nguồn lực trong 3 năm thực hiện chương trình gần 8 nghìn tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp trên 3,2 nghìn tỷ đồng và hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất xây dựng đường giao thông nông thôn; doanh nghiệp đóng góp 570 tỷ đồng. Ninh Bình được xếp trong tốp đầu toàn quốc về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra, năm 2015, ngoài chính sách hỗ trợ 900 triệu đồng mua xi măng đối với xã thực hiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015, 700 triệu đồng đối với xã đã hoàn thành trong năm 2014, tỉnh Ninh Bình tiếp tục hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã hoàn thiện các tiêu chí và tạo điều kiện về nguồn vốn khuyến khích các địa phương đầu tư xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2015, Ninh Bình phấn đấu có 31 xã về đích nông thôn mới, chiếm 26% số xã trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh. Hiện nhiều địa phương đã và đang dồn sức hoàn thiện các tiêu chí, quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2015.
Mỹ Hạnh