Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, hàng năm, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở Kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính với mục tiêu chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công nhằm phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp tốt hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội của địa phương.
Tính đến tháng 5/2017 trên địa bàn tỉnh có 1.692 thủ tục hành chính còn hiệu lực, trong đó cấp tỉnh là 1.307 thủ tục, cấp huyện là 273 thủ tục, cấp xã là 113 thủ tục. Sở Tư pháp đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức rà soát theo Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính năm 2017 của tỉnh để công bố bổ sung thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với công bố các thủ tục hành chính còn hiệu lực, các cấp, ngành trong tỉnh còn quan tâm rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Một số cơ quan đã chủ động đề xuất thực hiện cắt giảm giấy tờ hồ sơ hoặc thời gian thực hiện thủ tục hành chính như: Sở Nội vụ đã tinh gọn thành phần hồ sơ cử công chức, viên chức đi ôn, đi học giảm 3-5 loại giấy tờ; Sở Công thương đã thực hiện cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính có thời gian giải quyết từ 10 ngày trở lên; Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính từ 15-20 ngày so với quy định ở lĩnh vực đất đai, khoáng sản và môi trường... Chỉ tính trong 2 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức rà soát 2.113 thủ tục hành chính cấp sở, ngành, cấp huyện, trong đó đã đơn giản hóa theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa 147 thủ tục hành chính (132 thủ tục đơn giản hóa về thời gian giải quyết, 15 thủ tục đơn giản hóa về giấy tờ).
Đặc biệt, để tạo thuận tiện cho người dân trong các giao dịch hành chính, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã duy trì và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Hiện nay 18/18 sở, ngành, 8/8 huyện, thành phố, 145/145 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với 1.088 thủ tục ở cấp sở, ngành, 240 đến 253 thủ tục ở cấp huyện, 80 đến 137 thủ tục ở cấp xã. Kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã giảm phiền hà, giảm đáng kể thời gian chờ đợi cho người dân, trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng cao, đổi mới cơ bản mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và người dân theo hướng phục vụ nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Năm 2016, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2015, trong đó đáng chú ý là chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xếp thứ 1. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành, tăng 11 bậc so với năm 2015. Kết quả này có được do nhiều năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã nỗ lực thay đổi từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ và bắt đầu cải cách ngay từ chính đội ngũ cán bộ, công chức.
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, các cơ quan, đơn vị đã sửa đổi quy chế làm việc theo hướng phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực hiện việc quản lý, theo dõi, kiểm tra tiến độ giải quyết công việc thông qua phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của VNPT. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện giờ giấc làm việc và giao tiếp với tổ chức, người dân bằng nhiều hình thức thiết thực như giám sát trực tiếp hoặc thông qua hệ thống camera theo dõi, triển khai đeo thẻ đối với cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ với trang phục gọn gàng, lịch sự. Nhiều cơ quan đã sửa chữa, chỉnh trang lại phòng làm việc, khuôn viên cơ quan, đặc biệt là sửa chữa, mở rộng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để phục vụ người dân tốt hơn. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã ban hành quy tắc ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, tuân thủ quy tắc ứng xử của người cán bộ, công chức đến các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Công tác thanh tra, kiểm tra về kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hóa công sở được các cơ quan duy trì đều góp phần nâng cao ý thức thực thi công vụ, chấp hành nghiêm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong nhiều năm trở lại đây, Ninh Bình quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, như được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Từ năm 2015 - 2017, toàn tỉnh đã cử 307 người đi học cao học và bác sỹ chuyên khoa cấp I; 15 người tham gia nghiên cứu sinh và học bác sỹ chuyên khoa cấp II; 396 người đi học trung cấp lý luận chính trị, 151 người đi học cao cấp lý luận chính trị. Ngoài ra, có trên 12.000 lượt người được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc được giao. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tuyển được 3 công chức, 226 viên chức theo chính sách thu hút tại Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh Ninh Bình (trong đó, thạc sĩ: 86 người; đại học loại giỏi: 61 người; bác sĩ, dược sĩ: 79 người và 3 bác sĩ nội trú). Cùng với tuyển dụng, tỉnh cũng đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 82 người.
Qua đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách thu hút, chính sách tinh giản biên chế đã góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 27 người có học vị tiến sỹ, tăng 50% so với năm 2014, 1.468 người có trình độ thạc sỹ, tăng 48% so với năm 2014, 14.599 người có trình độ đại học, tăng 9% so với năm 2014. Qua đó, trình độ, năng lực và kỹ năng giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn. Năm 2016, toàn tỉnh có 107/145 đơn vị xã, phường, thị trấn được xếp loại chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh (đạt tỷ lệ 73,79%), tăng 2 đơn vị so với năm 2015; 38/145 đơn vị xếp loại khá (26,21%), không có đơn vị xếp loại trung bình, yếu kém. Với những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ, Ninh Bình đã và đang được các nhà đầu tư xem là điểm đến an toàn và đầy tiềm năng phát triển. Hiện, tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 1.000 tỷ đồng, gấp 4,9 lần so với năm trước.
Mai Lan