PV: Đề nghị đồng chí cho biết tình hình giá cả thị trường hiện nay và dự báo trong những tháng cuối năm?
Đồng chí Ngô Văn Kim: Năm 2012 mặc dù có nhiều khó khăn do tác động trong và ngoài nước, nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do vậy hoạt động của thị trường hàng hóa trên cả nước nối chung và tỉnh ta nói riêng vẫn giữ ổn định về giá cả, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá. Năm 2012, tổng mức bán lẻ trên thị trường toàn tỉnh năm 2012 ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến đạt 100,1% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 dự kiến tăng 5,1 % so với tháng 12 năm 2011, thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm nay và Tết nguyên đán Quý Tỵ, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, hoa quả… tăng cao so với những tháng trước nên giá cả có xu hướng tăng nhẹ. Các mặt hàng vật liệu xây dựng và các hàng hóa khác vẫn giá ổn định.
PV: Những giải pháp để quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm của tỉnh ta được đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Văn Kim: Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp bình ổn giá trên địa bàn tỉnh. Trước tiên là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sồng nhân dân như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất. Mặt khác, thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật... góp phần kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu tại địa phương, tránh hiện tượng đầu cơ găm hàng trục lợi, làm biến động thị trường ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ công thương và UBND tỉnh, ngành Công thương tỉnh đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết quý Tỵ trên địa bàn toàn tỉnh với tổng lượng hàng hóa ước tính đạt khoảng trên 300 tỷ đồng, tăng 20% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 14,5% so với Tết Nhâm Thìn. Qua khảo sát, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thì đén thời điểm này các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa có chất lượng cao như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp Tết nguyên đán. Công ty TNHH MTV Hồng Nhung chuẩn bị 60 tấn bột ngọt, 190.000 lít dầu ăn, 30 tấn bánh kẹo, 800 thùng cafe, 36.000 chai rượu, 6.000 thùng bia, 60 tấn đường, 800.000 bao thuốc lá sẵn sàng phục vụ nhân dân trong tháng Tết với tổng giá trị ước tính trên 34 tỷ đồng. Công ty TNHH thương mại Cường Thịnh chuẩn bị 92.880 chai rượu các loại, 140.500 lít dầu ăn, 18.000 hộp bơ các loại, 22 tấn đường và 9 tấn bánh kẹo…với trị giá gần 10 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Chi nhánh xăng dầu, Chi nhánh Petex chuẩn bị dự trữ đủ lương xăng, dầu hỏa để cung cấp cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ phục vụ nhân dân, nhất là thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới. Cùng với việc chuẩn bị dự trữ hàng hóa, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa… nhằm tạo điều kiện cho nhân dân mua sắm thuận tiện. Riêng đối mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi đã không duy trì đàn; do đó vào thời điểm những tháng cuối năm dự kiến giá cả mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm sẽ có xu hường tăng nhẹ. Để đảm bảo đủ nguồn thực phẩm phục vụ nhân dân đón Tết các hộ sản xuất, chăn nuôi cần đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục phát triển chăn nuôi nhằm đáp ứng đủ hàng hóa phục nhân dân. Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa, Ngành công thương còn đang tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân như: thịt lợn, thịt bò, gà, vịt, trứng, dầu ăn, đường sữa, nước mắm, xi măng, vật liệu xây dựng, phân bón… Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, triển khai dự trữ hàng hóa, đảm bảo không thiếu hàng, gây sốt giá và bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại; vận chuyển, kinh doanh pháo nổ trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời điểm trước và sau Tết. Chủ động đánh giá tình hình và có kế hoạch đối phó với việc găm hàng, đầu cơ tạo cơn sốt ảo trong dịp Tết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, như: lương thực, thực phẩm, rượu, bia, phân bón, xăng dầu… Kịp thời có sự chỉ đạo, điều hành, điều tiết và bình ổn thị trường, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến. Cùng với đó, ngành cũng sẽ tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng dồi dào, chất lượng, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngành công thương phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về giá cả thị trường, định hướng tiêu dùng để từ lựa chon cho mình những sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, chất lượng tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (thực hiện)