Xã Yên Quang (Nho Quan) là địa phương xuống đồng thu hoạch lúa mùa sớm nhất của huyện. Chị Nguyễn Thị Nga, một nông dân trong xã cho biết: Việc thu hoạch lúa mùa hiện nay chủ yếu do máy gặt liên hợp đảm nhiệm nên tiến độ thu hoạch tiến triển rất nhanh, chỉ 2-3 ngày là hoàn thành; gặt đến đâu, người dân đều làm đất ngay đến đó để kịp trồng cây vụ đông.
Yên Quang là xã có diện tích lúa mùa sớm chiếm tới hơn 90% và việc gieo cấy chủ yếu ở trà lúa này đã tạo điều kiện cho địa phương có quỹ đất và khung thời vụ cần thiết để trồng cây vụ đông.
Vụ mùa 2017, Nho Quan gieo cấy được 4.827 ha lúa, trong đó có 1.034 ha là lúa gieo thẳng. Tính đến cuối tháng 9, toàn huyện đã thu hoạch được 3.200 ha chủ yếu thuộc trà mùa sớm, nằm ở các địa phương có truyền thống trong phát triển cây vụ đông. Đây là nguồn quỹ đất quan trọng để huyện thực hiện kế hoạch phát triển vụ đông (trên 2.000 ha) và đến nay đã có 350 ha cây vụ đông các loại được trồng.
Để đảm bảo ăn chắc, tránh những thiệt hại do mưa bão gây ra và tạo quỹ đất trồng cây vụ đông, bà con nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh đang bắt đầu tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc xuống đồng thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa đã chín.
Ông Nguyễn Văn Hiệp (Đông Mai- Khánh Hải) cho biết: Năm nay, tình hình sâu bệnh có diễn biến phức tạp, đặc biệt rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn... phát sinh gây hại; tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của bà con nông dân, lúa mùa vẫn cho năng suất khá.
Nhờ sử dụng máy gặt đập liên hợp nên chỉ trong 1 ngày gia đình đã thu hoạch xong 6 sào ruộng và ngay sau đó đã tiến hành làm đất trồng cây vụ đông. Khánh Hải là xã có truyền thống trong nhiều năm qua với việc phát triển cây vụ đông.
Vụ mùa 2017, Yên Khánh gieo cấy được 7.760 ha lúa, trong đó có 6.200 ha là lúa gieo thẳng. Tính đến ngày 30/9, toàn huyện đã có 100% diện tích lúa trỗ bông và cũng đã thu hoạch được 400 ha thuộc diện tích trà mùa sớm, nằm ở các xã có truyền thống phát triển cây vụ đông. Khoảng tuần đầu đến tuần giữa tháng 10 sẽ là thời kỳ cao điểm của khâu thu hoạch.
Đồng chí Đinh Văn Khiêm, Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Diện tích gieo cấy lúa vụ mùa năm 2017 của toàn tỉnh là 36.625 ha. Đến hết tháng 9, diện tích lúa trỗ 36.169 ha, đạt 98,8% so với kế hoạch và đã thu hoạch 5.951 ha lúa (Nho Quan 3.500 ha; Gia Viễn 250 ha; Yên Mô 1.800 ha; Yên Khánh 400 ha; Tam Điệp 1 ha).
Đồng chí Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Nông nghiệp &PTNT cũng cho rằng: Thời gian tới cần chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cuối vụ trên lúa và cây màu. Vụ mùa là vụ sản xuất nằm gọn trong mùa mưa bão, nắng nóng kéo dài... nên điều kiện thời tiết khí hậu bất thuận cho cây trồng sinh trưởng nhưng lại tạo điều kiện thuân lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển.
Chỉ cần một trận mưa giông thôi thì bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn có điều kiện phát triển lây lan ra diện rộng; nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài là cơ hội cho rầy nâu, rầy lưng trắng sinh sôi nảy nở kéo theo đó là bệnh lùn sọc đen xuất hiện. Những yếu tố trên đã làm cho vụ mùa có năng suất không cao, thậm chí mất mùa cục bộ.
Hiện tại đã đến thời kỳ thu hoạch lúa mùa, nhân dân và các địa phương cần tập trung cao nhân lực, phương tiện máy móc gặt nhanh lúa đã chín, tránh mưa giông, gió bão ảnh hưởng đến kết quả của vụ sản xuất, đồng thời có quỹ đất để trồng cây vụ đông.
Đinh Chúc