Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có 47 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó có 37 ha nhiễm nhẹ, 10 ha nhiễm trung bình. Tập trung chủ yếu ở các địa phương là: Nho Quan là 25 ha, Yên Mô 20 ha, Yên Khánh 2 ha. Bà Nguyễn Thúy Bùi, một hộ trồng ngô tại xóm Mới, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô cho biết: Tôi trồng ngô đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy loài sâu này, chỉ có từ năm ngoái đến năm nay mới thấy xuất hiện. Loài sâu này cắn phá rất nhanh, nhất là lúc ngô được 4-6 lá, chúng thường ăn cụt đọt ngô, làm cây không phát triển, ra bắp được. Cạnh vườn ngô nhà bà Bùi là 2 sào ngô của hộ ông Thiện. "Theo quan sát của chúng tôi thì sâu keo lây lan nhanh, chỉ sau một đêm là có đám ngô mới bị sâu cắn phá. May mắn là tôi được các cán bộ kỹ thuật của xã, tỉnh hướng dẫn cách phòng trừ ngay từ giai đoạn đầu nên đã kịp thời ngăn chặn sự lây lan, phá hại của chúng"- ông Thiện cho biết.
Loài sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera, thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm. Sâu non có 6 tuổi, sâu tuổi 1-2 cơ thể màu xanh nhạt - vàng nhạt, khi phát triển sang tuổi 3-6, sâu non có màu trắng sữa, xanh đen, hoặc nâu nhạt tùy theo môi trường thức ăn. Đặc điểm gây hại: chỉ pha sâu non mới gây hại cây trồng, sâu non tuổi 1, đầu tuổi 2 ăn biểu bì của lá non - lá bánh tẻ tạo thành các vết trắng nhỏ li ti, khi sâu lớn dần tạo ra vết hại hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Từ tuổi 3, sâu non ăn khuyến lá, bẹ lá, tạo thành các lỗ lớn như cửa sổ, từ giai đoạn trỗ cờ, phun râu, sâu non ăn râu, cờ ngô và chui vào bắp gây hại.
Theo tài liệu nước ngoài, sâu keo mùa thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, tuy nhiên ưa thích trên cây ngô nhất là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau. Trưởng thành có thể bay 100 km/đêm nhờ gió nên từ khi vũ hóa đến đẻ trứng có thể bay rất xa để tìm nơi đẻ trứng. Kỹ sư Vũ Thị Kim Dung, Phó phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh) cho biết: Sâu keo mùa thu là một đối tượng sâu hại mới, khá nguy hiểm, có khả năng di chuyển xa, phát tán mạnh, sinh sản rất cao, phàm ăn, chưa có thuốc đặc trị nên rất khó khăn trong công tác phòng trừ.
Để phòng trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả, bà con cần thực hiện biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật. Trước khi gieo hạt: làm sạch cỏ dại, làm đất rồi phơi đất khô để nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Sử dụng các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao (NK 7328 Bt/GT, NK 4300 BT/GT, 8639S, 99558S… để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại, giảm chi phí sản xuất. Xử lý hạt giống bằng thuốc BVTV. Làm bả chua ngọt để diệt trừ sâu trưởng thành ở tất cả các vùng trồng ngô. Giai đoạn ngô mới gieo đến 7 lá, nếu không phòng trừ tốt sẽ gây hại nặng và giảm mật độ cây, ảnh hưởng lớn đến năng suất sau này. Bà con cần ưu tiên việc nhân thả các loài thiên địch như các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non, loài côn trùng ăn thịt sâu non như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm ra đồng ruộng để phòng chống sâu keo mùa thu và một số sâu hại khác. Sử dụng nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, vi rút NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ và điều kiện thời tiết có ẩm độ cao để phát huy tốt nhất hiệu lực của chế phẩm. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.
Ngoài ra, có thể đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy dẫn dụ giới tính trên ruộng để diệt trừ sâu trưởng thành. Những ruộng ngô không áp dụng các biện pháp nêu trên phải thường xuyên điều tra để phun trừ khi mật độ sâu non tuổi 1-2 cao. Lưu ý, phun ướt đều lá và phun vào nõn ngô. Riêng với giai đoạn ngô 7 lá đến xoáy nõn, sắp trỗ cờ phun râu như hiện nay, mật độ sâu thường thấp hơn giai đoạn 3-6 lá và cây ngô đã lớn, có khả năng đền bù thiệt hại, do vậy nông dân cần hạn chế dùng thuốc BVTV, trong trường hợp ruộng ngô bị sâu hại nặng, vẫn tiếp tục chăm sóc để cây ngô phục hồi nhanh, có thu hoạch bình thường.
Được biết, trước sự xuất hiện, gây hại của sâu keo mùa thu, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở nắm tình hình, diễn biến gây hại của sâu, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ; không để người dân tự xử lý, gây tốn kém, ô nhiễm môi trường mà lại không hiệu quả; xây dựng hướng dẫn nhận hiết, biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu phù hợp với điều kiện thực tế địa phương… Hiện nay, Chi cục cũng đang thử nghiệm một số biện pháp phòng trừ tổng hợp ở Gia Viễn, Yên Khánh, từ đó có thể đưa ra khuyến cáo cách phòng trừ chung trong toàn tỉnh. Trước mắt, thời điểm này, người dân nên thực hiện theo các hướng dẫn của ngành chức năng. Với các diện tích bị nhiễm sâu lớn, triển khai phun phòng trừ bằng các loại thuốc đã được khuyến cáo sử dụng. Với diện tích nhỏ nên bắt bằng tay để giảm thiểu chi phí. Do là loài đa thực nên người dân không chỉ theo dõi diễn biến gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô mà còn theo dõi ở các loại cây trồng khác để có những phương án phòng trừ kịp thời.
Bài, ảnh: Hà Phương