Hiện nay, huyện Nho Quan là một trong những đơn vị có tỷ lệ sâu bệnh xuất hiện nhiều nhất trong tỉnh. Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Qua công tác kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh cho thấy toàn huyện có khoảng 50 ha diện tích lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tập trung nhiều ở xã Thanh Lạc, Văn Phú, Lạc Vân. Trước tình hình sâu bệnh phát sinh, gây hại cây trồng vụ xuân, huyện Nho Quan đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn cùng với bà con nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, phát hiện và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Tổ chức phun trừ đối với những diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn tỷ lệ cao, đảm bảo không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng, cây lúa sinh trưởng tốt
Đến nay, toàn huyện đã phun trừ bệnh đạo ôn cho trên 20 ha lúa và đang tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân phun trừ những diện tích còn lại khi tới ngưỡng. Trong thời gian tới, theo dự báo tình hình sâu bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, do vậy huyện Nho Quan đề nghị các đơn vị, bà con nông dân tập trung theo dõi phòng trừ sâu bệnh, phấn đấu giành thắng lợi trong sản xuất vụ đông xuân 2013.
Theo thông báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, qua công tác kiểm tra cho thấy trên các trà lúa xuân bắt đầu xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại. Bệnh đạo ôn lá đã phát sinh và gây hại rải rác trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa xuân sớm, ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, giống nhiễm như: BC 15, Nếp, Tạp giao… Tỷ lệ nơi cao từ 5-7%; cá biệt có nơi tỷ lệ từ 20-30% như: Lạc Vân, Thanh lạc, Văn Phương, Văn Phú (huyện Nho Quan); Yên Thái (huyện Yên Mô). Ngoài bệnh đạo ôn trên lá ra, bệnh lùn sọc đen xuất hiện rải rác và chuột hại cục bộ.
Trong thời gian tới, với tình hình thời tiết như hiện nay và nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn lá có khả năng lây lan và gây hại trên các trà lúa, đặc biệt trên các trà lúa xuân muộn, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ xuất hiện nhiều ổ lùn lụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa cuối vụ. Do đó, để ngăn chặn không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị, các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cây trồng và diễn biến dịch hại để có biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng.
Đối với những ruộng đã có bệnh đạo ôn xuất hiện, cán bộ chuyên môn đã khuyến cáo bà con nông dân dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và tiến hành phun trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh trên 3% bằng các loại thuốc đặc hiệu đã được khuyến cáo. Đối với những ruộng bị bệnh lùn sọc đen, tiến hành nhổ, vùi những cây, khóm lúa bị bệnh và tỉa dặm để đảm bảo đủ mật độ trong ruộng. Đồng thời tập trung phun trừ rầy các loại là môi giới truyền bệnh trên những ruộng bị bệnh và những ruộng liền kề; tập trung diệt chuột gây hại bằng các biện pháp thủ công là chủ yếu (đào bắt, hun khói, dùng chó săn chuột…) để bảo vệ sản xuất.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo bà con nông dân không mua phải thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và giá cả không hợp lý.
Bài, ảnh: Hồng Giang