Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 là những ngày thật bận rộn với các cán bộ Trạm BVTV huyện Yên Khánh, bởi họ đang tập trung cho đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân trên địa bàn toàn huyện.
Cùng với các cán bộ kỹ thuật của Trạm đi kiểm tra mật độ rầy tại xã Khánh Mậu mới thấy mật độ rầy ở đây khá cao, trứng rầy lứa hai lên tới 2.500-4.000 quả/m2.
Bà Phạm Thị Dung, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Yên Khánh cho biết: Vụ đông xuân năm nay, huyện Yên Khánh gieo cấy 7.300 ha lúa. Trong đó diện tích lúa gieo sạ là trên 5.000 ha. Nhìn chung, từ đầu vụ đến nay mức độ sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn thấp hơn so với cùng kỳ.
Tuy nhiên hiện tại, nổi lên 2 đối tượng là rầy nâu và rầy lưng trắng đang phát sinh và gây hại trên diện rộng, đặc biệt là ở các xã phía nam của huyện.
Trước tình hình phát sinh, phát triển của sâu hại, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch cao điểm phòng trừ rầy tới các xã. Tập trung phổ biến, tuyên truyền đến người dân về mức độ nhiễm rầy và biện pháp phòng trừ tới từng thôn, xã.
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 là giai đoạn rầy phát triển mạnh, do vậy chúng tôi đang tích cực xuống cơ sở để theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh gây hại cho lúa, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc và cách phun trừ sâu bệnh hại một cách hiệu quả nhất.
Gặp anh Trần Văn Đoan, xóm 3, Khánh Mậu đang bắt ốc bươu vàng và làm cỏ cho ruộng lúa của gia đình. Anh cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 9 sào, nhìn chung năm nay lúa sinh trưởng chậm hơn so với mọi năm, sâu bệnh đến giờ cũng chưa có gì đáng kể.
Tuy nhiên, nghe các cán bộ của HTX nói là sắp tới rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ phát sinh mạnh. Tôi đang chờ xã có thông báo là sẽ phun trừ rầy để bảo đảm năng suất.
Tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân của tỉnh vụ này đạt 41.000 ha. Nhìn chung, lúa đông xuân sau khi các địa phương hoàn thành chăm sóc đợt 1 và tập trung chăm sóc đợt 2 đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Hiện phần lớn diện tích đang trong thời kỳ phân hóa đòng, ôm đòng và trỗ bông.
Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình diễn biến dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại nặng trên các trà lúa.
Cụ thể: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 1 đã gây hại rải rác trên các trà lúa, mật độ lứa 1 trung bình là 50 con/m2 (cao gấp 2,5 lần so với năm 2015 ở cùng lứa).
Trứng rầy lứa 2 đang nở rộ, mật độ trung bình 950 quả/m2, nơi cao lên tới 2.000-5.000 quả/m2, cá biệt có ổ lên tới 7 vạn quả/m2, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô.
Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, một số diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ, trắng bộ lá đòng ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ngoài ra, chuột, bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến đòng non.
Bà Đỗ Thị Thao, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Trước tình hình sâu bệnh có chiều hướng phát sinh trên diện rộng và lây lan nhanh, Chi cục đã yêu cầu cán bộ, kỹ thuật viên từ tỉnh đến cơ sở bám sát đồng ruộng, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh, trên cơ sở đó, tham mưu cho các địa phương ra thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn các HTX và bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật để phòng trừ kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Đồng thời hướng dẫn nhân dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho cây lúa khỏe mạnh nhằm tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại.
Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo: Ngay từ thời điểm này (giai đoạn rầy đang ở diện hẹp, dưới dạng các ổ là thời điểm phòng trừ có hiệu quả, hạn chế nguồn tích lũy của rầy cho lứa tiếp theo), bà con nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện rầy có mật độ trên 2.000 con/m2 thì tiến hành phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc hóa học đặc hiệu như Penalty 40WP, Sutin 5EC, Chess 50WG, Palano 600WP, Midan 10WP, Cytoc 250WP…
Ngoài ra, đối với sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ trên những ruộng có mật độ sâu trên 20 con/m2 khi sâu non tuổi 2 rộ.
Thời gian phun từ ngày 2 đến 8-5 bằng các loại thuốc như: Clever 150SC, Director 70EC, Virtako 40WG, Tango 800WG… Những nơi ruộng có mật độ cao trên 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Bên cạnh đó, kết hợp phun trừ bệnh khô vằn trên những ruộng có tỷ lệ bệnh trên 5% số dảnh bằng các loại thuốc: Cavil 50SC, Moren 25WP, Nevo 330EC, Anvil 5SC….
Có thể kết hợp phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ nhưng phải đảm bảo đủ liều lượng, lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào).
Chi cục BVTV tỉnh cũng khuyến cáo bà con khi xử lý thuốc phải duy trì mực nước trong ruộng đạt từ 5 - 7 cm để nâng cao hiệu quả phòng trừ.
Bài, ảnh: Hà Phương