Nhìn chung, lúa mùa đang sinh trưởng, phát triển khá tốt, đồng đều. Tuy nhiên, thời tiết, khí hậu trong thời gian qua mưa nắng thất thường, nhiệt độ trung bình 30-350C, ẩm độ 70-80%... là những điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại lúa phát sinh, phát triển.
Theo Chi cục BVTV tỉnh: Sâu non, sâu đục thân lúa 2 chấm đang nở rộ và gây hại trên các trà lúa mùa sớm và mùa trung ở những diện tích xanh tốt với mật độ trung bình 0,7 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2, cá biệt có nơi tới 10-15 con/m2. Đã có 3.480 ha lúa nhiễm sâu đục thân với 240 ha bị hại nặng. Rầy nâu và rầy các loại hại cục bộ trên các trà lúa, đặc biệt ở trà mùa sớm; mật độ trung bình 165 con/m2, nơi cao 300-600 con/m2, gấp 5 lần so với vụ mùa năm 2008. Tổng diện tích nhiễm rầy lứa 4 khoảng 1.160 ha, cao gấp nhiều lần so với vụ mùa năm trước. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 gây hại rải rác trên các trà lúa với mật độ trung bình 0,7 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2, cá biệt có nơi 7-10 con/m2, đã xuất hiện bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 với mật độ 2-3 con/m2. Bệnh khô vằn gây hại cục bộ trên các trà lúa, nhất là ở trà mùa sớm, nơi cao 5-7%, cá biệt có nơi 20-30% số dảnh; tổng diện tích bị hại là 2.520 ha với 1.200 ha bị hại nặng. Ngoài ra, chuột là đối tượng gây hại cần được quan tâm, nhất là trên trà mùa sớm với tỷ lệ hại nơi cao từ 5-7%, cá biệt có nơi từ 10-15% số dảnh; tổng diện tích bị chuột hại là 407 ha, có 42 ha bị hại nặng, cao hơn so với cùng kỳ vụ mùa năm trước.
Theo dự báo của Chi cục BVTV, sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 4 tiếp tục gây hại trên các trà lúa. Sâu non lứa 5 sẽ nở rộ từ ngày 27-8 đến 12-9 gây hại rộng trên các trà lúa trỗ sau ngày 20-8 trở đi ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và hại nặng ở các huyện phía Bắc tỉnh. Quy mô và mức độ cao hơn vụ mùa năm trước. Rầy nâu và rầy cám lứa 5 sẽ nở rộ từ 15 đến 25-8, gây hại rộng trên trà mùa sớm ở giai đoạn ôm đòng đến chắc xanh và trà mùa trung ở giai đoạn ôm đòng; mật độ trung bình 500 con/m2, nơi cao 1.500-3.000 con/m2; quy mô mức độ hại cao hơn vụ mùa năm trước. Bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 ra rộ từ 15 đến 25-8, sâu non nở rộ từ 21 đến 28-8, gây hại cục bộ trên các trà lúa; quy mô, mức độ hại thấp hơn so với vụ mùa năm trước. Bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn xuất hiện và gây hại sau những đợt mưa dông, ở những ruộng bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón phân không cân đối và trên các giống nhiễm: LT2, Nhị ưu 838, Bắc ưu 903… Tỷ lệ bệnh trung bình 5%, nơi cao 15-30%; quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ mùa năm trước. Chuột là đối tượng gây hại trên tất cả các trà lúa, đặc biệt là trà mùa trung đang trong giai đoạn phân hóa đòng; tỷ lệ hại trung bình 1%, nơi cao 7-10%, cá biệt có nơi 30%; quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ mùa năm ngoái…
Đồng chí Đỗ Thị Thao, Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho rằng: Cùng với những điều kiện về thời tiết, khí hậu thì giai đoạn phát triển hiện nay của cây lúa là điều kiện lý tưởng cho sâu bệnh và các đối tượng dịch hại phát sinh, phát triển mạnh. Chi cục BVTV đề nghị các địa phương cần đảm bảo đủ nước cho lúa sinh trưởng và phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi lúa đang làm đòng trỗ bông. Tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, khí hậu, diễn biến của dịch hại trên từng khu ruộng ở từng trà lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi tới "ngưỡng" phải phun thuốc phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời cần chú ý đến các đối tượng gây hại như: sâu đục thân lúa 2 chấm, rầy nâu và rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, chuột… Trong đó diện tích lúa nhiễm sâu đục thân 2 chấm là 3.480 ha, có 20 ha bị nặng, các địa phương đã tổ chức phun trừ cho 2.390 ha; diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn là 5.725 ha, đã tổ chức phun trừ cho 4.435 ha; diện tích lúa bị chuột phá hoại là 817 ha.
Trường Sinh