HTX Văn Phong, huyện Nho Quan là một trong những đơn vị có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ cao. Hiện nay, bà con xã viên đang tập trung kiểm tra, theo dõi đồng ruộng và phun trừ những diện tích lúa bị nhiễm bệnh khi tới ngưỡng. Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: "Theo thông báo của Tổ bảo vệ thực vật, một số diện tích trên giống nhiễm hoặc quá xanh tốt đang bị nhiễm bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ khác nhau. Để phòng trừ hiệu quả, mấy ngày nay bà con xã viên đều tích cực thăm đồng, kiểm tra kỹ những thửa ruộng nhà mình, nếu có biểu hiện bệnh nặng báo cho cán bộ HTX và thực hiện phun ngay bằng các thuốc đặc hiệu đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Riêng gia đình tôi có hơn 1 sào cấy bằng lúa nếp bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn lá, những ngày qua, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, gia đình tôi đã mua thuốc về phun trừ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật".
Theo lãnh đạo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nho Quan, vụ đông xuân 2013-2014, huyện Nho Quan đã gieo cấy trên 7.000 ha lúa các loại, trong đó có 22% diện tích trà xuân sớm cấy ở vùng ngoài đê, khu đất trũng, còn 72% diện tích là trà xuân muộn. Hiện nay, thời tiết tương đối thuận lợi để lúa sinh trưởng và phát triển, tuy nhiên cũng là yếu tố tích cực gây ra một số sâu bệnh gây hại trên lúa. Ngoài một số đối tượng như chuột hại, ốc bươu vàng, qua công tác kiểm tra theo dõi của cán bộ bảo vệ thực vật huyện đã phát hiện có một số diện tích lúa của HTX Văn Phong bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá. Tổng diện tích bị nhiễm khoảng 9 ha, trong đó diện tích nặng 1 ha. Sau khi kiểm tra, thống kê diện tích bị nhiễm và nhiễm nặng, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã báo cáo với cơ quan chức năng là Chi cục Bảo vệ thực vật và huyện Nho Quan để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đồng thời, Trạm cũng cử cán bộ xuống địa bàn theo dõi thường xuyên, nắm bắt tình hình sâu bệnh phát sinh, hướng dẫn và khuyến cáo cho bà con chủ động kiểm tra và phun trừ theo đúng quy trình kỹ thuật, hiệu quả, tránh lãng phí và tránh lây lan ra diện rộng. Đến nay, toàn bộ 9 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn đã được phun trừ lần 1 và đang tập trung phun trừ lần 2.
Bà Đỗ Thị Thao, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Qua kiểm tra trên đồng ruộng cho thấy, bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác trên các trà lúa, đặc biệt bệnh gây hại cục bộ ở một số giống nhiễm, diện xanh tốt, bón thừa đạm như: Nếp, Q5, BC15, QR1... Tỷ lệ bệnh nơi cao 5-7%; cá biệt 20-30%, tập trung chủ yếu ở HTX Văn Phong (huyện Nho Quan), HTX Vĩnh Yên (huyện Yên Mô), HTX Khánh Tiên (huyện Yên Khánh).
Trong thời gian tới, với tình hình thời tiết như hiện nay, bệnh đạo ôn lá có khả năng lây lan và gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa xuân muộn. Nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ xuất hiện nhiều ổ lùn lụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Trước tình hình bệnh đạo ôn có khả năng lây lan và gây hại rộng trên các trà lúa, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã khuyến cáo các đơn vị và nhân dân tích cực triển khai các biện pháp: Đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng (không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường).
Đối với ruộng bị bệnh đạo ôn lá, bà con nên dừng ngay việc bón các loại phân, đặc biệt là phân đạm. Không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 3-5 cm. Tiến hành phun trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh trên 3% số lá bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu đã được khuyến cáo. Với những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày, trước khi phun thuốc cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng, tiêu hủy rồi mới tiến hành phun thuốc. Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra quản lý thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo bà con nông dân không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ngoài bệnh đạo ôn trên lá, hiện nay trên đồng ruộng còn có một số đối tượng gây hại như ốc bươu vàng, chuột hại, do đó các đơn vị, địa phương và bà con nông dân cần tập trung theo dõi và diệt trừ hiệu quả hai đối tượng gây hại này bằng các biện pháp khác nhau, trong đó chú trọng biện pháp thủ công.
Hồng Giang