Ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện và gây hại cục bộ trên các trà, hại nặng trên trà lúa xuân muộn có ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, các giống lúa nhiễm như: Nếp, Đài thơm 8, TBR 225, LT2, Bắc thơm số 7... với tỷ lệ bệnh nơi cao 10-20%, cá biệt có chỗ tới 30-70%. Đây là cơ sở để bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, phát triển và nguy cơ gây hại nặng trên diện tích đã bị bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, diện tích xanh tốt, bón thừa đạm… Bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang ra rộ và sâu non sẽ nở rộ trong khoảng thời gian từ 14/4-26/4 gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở thời kỳ phân hóa đòng đến ôm đòng.
Ngoài ra, các đối tượng: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 sẽ nở rộ sau ngày 5/4, gây hại rộng trên các trà lúa; chuột, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá…cũng gia tăng gây hại. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu nhiều ngày có mưa phùn, trời âm u, ẩm độ cao, nhiệt độ trong khoảng từ 25-28 độ C như thời gian qua là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn lá có khả năng lây lan và gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn, đặc biệt hại nặng trên các giống nhiễm và nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ xuất hiện nhiều ổ lùn lụi, bộ lá đòng dễ bị sơ trắng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa về sau này. Tính đến trung tuần tháng 4, toàn tỉnh đã có 974,3 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh hại, trong đó: chuột phá 243,5 ha (có 15,5 ha bị nặng, đã diệt được 326.050 con chuột và 87.950 kg ốc bươu vàng bằng phương pháp thủ công); đạo ôn lá 105,8 ha (có 2,7 ha bị nặng, đã phòng trừ cho 86,3 ha); khô vằn 625 ha bị nhiễm, đã phòng trừ cho 595 ha.
Trước tình hình sâu bệnh có khả năng lây lan và gây hại rộng trên các trà lúa, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp, xã, HTX đảm bảo đủ nước trong ruộng, bón hết lượng phân kali còn lại cho lúa xuân muộn, tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh. Tiếp tục tổ chức diệt chuột bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó chú trọng biện pháp thủ công. Phân rõ các trà lúa, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng gây hại như: Bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, chuột hại và có biện pháp phòng, chống hữu hiệu.
Những ruộng bị bệnh đạo ôn lá, dừng ngay việc bón các loại phân, đặc biệt là phân đạm. Không được phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 2-3 cm. Với bệnh đạo ôn cổ bông, phun thuốc theo tốc độ lúa trỗ trên những ruộng đã bị đạo ôn lá, ruộng xanh tốt, giống nhiễm khi lúa trỗ thấp thó từ 3-5% bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Kasoto 200SC, Katana 20SC, Bump 650 WG, Beam 75WP, Kabim 30WP, Bamy 75WP, Fu-army 30WP, Filia 525SE, Fuione 40 WP. Đối với những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày, đồng thời, đảm bảo lượng nước thuốc đã pha từ 25- 30 lít/sào.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun trừ trên những ruộng có mật độ sâu non trên 50 con/m2 ở ruộng lúa đang giai đoạn đẻ nhánh và trên 20 con/m2 khi lúa ở thời kỳ phân hóa đòng đến ôm đòng. Với tình hình hiện tại thì thời gian phun thuốc thích hợp từ ngày 15/4 đến 25/4 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau: Clever 150 SC, 300G; Director 70EC; Virtako 40WG; Voliam Targo 063SC; Tango 800 WG; Michigane 800 WG; Silsau 4.5EC; Dylan 5WP…Những ruộng có mật độ sâu cao trên 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày. Với rầy nâu, rầy lưng trắng phun trừ trên những ruộng có mật độ trên 2.000 con/m2 khi rầy ở tuổi 2 bằng các loại thuốc như: Penalty 40 WP; Sutin 5EC, 50 WP; Chess 50WG; Palano 600 WP, Midan 10WP; Cytoc 250 WP, Applau bas 27 WP… thời gian phun thích hợp từ ngày 15/4 đến 22/4.
Đối với chuột hại, cần tiếp tục diệt chuột bằng các biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp thủ công như: Đào bắt, hun khói, đặt các loại bẫy. Đây là biện pháp có hiệu quả cao để hạn chế sự gây hại của chuột trên đồng ruộng.
Đinh Chúc