Vụ mùa này thị xã Tam Điệp gieo cấy 474 ha lúa, chủ yếu là giống lúa KD 18, QR1, TBR45... Từ đầu vụ đến nay, thị xã đã có hơn 200 ha lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh, gồm: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, đạo ôn và rầy. Diện tích đã phun trừ là hơn 100 ha. Song do nhiều nơi trên địa bàn thị xã vẫn còn để lúa chét do vậy sâu bệnh có cơ hội khu trú và di chuyển sang lúa mùa, gây khó khăn trong việc quản lý và phòng trừ. Hiện nay, phòng Kinh tế thị xã đang cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, BVTV có mặt tại các vùng trọng điểm trồng lúa hướng dẫn nông dân cách phòng, chống, sử dụng thuốc BVTV đúng quy trình, liều lượng.
Theo Chi cục BVTV hiện nay trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông, trà mùa trung phân hóa đòng đến ôm đòng, trà mùa muộn cuối đẻ nhánh rộ. Nhìn chung trên phạm vi toàn tỉnh lúa sinh trưởng và phát triển tốt. ở một số địa phương đã xuất hiện dịch hại và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa. Trong đó hai đối tượng cần lưu ý là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và tập đoàn rầy lứa 6. Có nơi mật độ sâu lên tới 10-30 con/m2 như Kim Sơn, Yên Mô. Ngoài ra rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã gây hại trên một số trà lúa ở Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn với mật độ phổ biến 300-500 con/m2.
Bà Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục BVTV cho biết: Thời gian từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 là giai đoạn cây lúa có số lượng bệnh hại nhiều nhất, đồng thời mức độ thiệt hại của chúng gây ra cũng thường lớn nhất nếu không chú ý phòng trừ tốt. Do vậy các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác phòng trừ sâu bệnh.
Cụ thể, đối với sâu cuốn lá nhỏ, bà con nên hạn chế thấp nhất việc dùng thuốc hóa học trong giai đoạn lúa đẻ nhánh vì giai đoạn này cây lúa sinh trưởng mạnh, có khả năng tự đền bù. Chỉ phun trừ ở những ruộng có mật độ cao trên 50 con/m2. ở những ruộng lúa đã phân hóa đòng, làm đòng thì nên phun khi mật độ sâu trên 20 con/m2 và phun sớm khi sâu non nở rộ tuổi 2. Thời gian phun trừ từ ngày 29-8 đến 2-9. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Tango 800 WG, Angun 5WP, Reagt 800 WG, Silsau Super 5 WP, Dylan 2EC, 5WG... Riêng những ruộng có mật độ sâu trên 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ kép, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày.
Đối với tập đoàn rầy, trên những diện tích lúa không bị nhiễm lùn sọc đen thì chỉ phun trừ trên những ruộng có mật độ rầy trên 2.000 con/m2, thời gian phun trừ từ 27-8 đến 2-9. Dùng các loại thuốc nội hấp như: Sutin 50SC, 50WP; Applaud 25 SC; Anprowd 70DF; Penaltyl 40WP... nếu lúa ở giai đoạn phân hóa đòng, ôm đòng. Đối với những ruộng lúa ở giai đoạn đòng già đến trỗ bông, chắc xanh thì dùng các loại thuốc tiếp xúc như Victory 585EC, Penaltygold 50 EC, Bassa 50EC, Bonusgold 40 EC, Bassa 50 EC... Đối với những diện tích lúa bị nhiễm lùn sọc đen thì phun toàn bộ ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh.
Ngoài 2 đối tượng trên thì bà con cũng cần theo dõi phòng trừ các bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Lưu ý các đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 6 phát sinh và gây hại trùng nhau, vì vậy có thể hỗn hợp thuốc để phun trừ kết hợp với phòng trừ bệnh khô vằn nhưng phải đảm bảo liều lượng và lượng nước thuốc đã pha.
Từ nay đến giữa tháng 9 là thời điểm quyết định đến năng suất và sản lượng lúa mùa. Vì vậy các địa phương cần căn cứ vào thông báo của Chi cục và tình hình cụ thể của địa phương mình để tham mưu, hướng dẫn các HTX và bà con nông dân phun trừ kịp thời. Nếu kiểm soát tốt mức độ ảnh hưởng của sâu bệnh trong thời điểm này, tin rằng bà con sẽ có một mùa vàng bội thu.
Nguyễn Lựu