Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, đầu năm xảy ra rét đậm, rét hại, xuất hiện dịch cúm gia cầm ở một số địa phương, cuối năm mưa bão ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông và nuôi trồng thủy sản nước lợ nhưng ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển khá toàn diện, đời sống phần lớn dân cư nông thôn được cải thiện. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh) ước đạt 1.901.318 triệu đồng, tăng 101,84% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 1994) là 2,05%, cao hơn mục tiêu 0,05%.
Thành tựu nổi bật nhất là trong sản xuất lúa. Năng suất lúa tiếp tục duy trì ở mức cao, vụ đông xuân đạt 65,04 tạ/ha, vụ mùa đạt 55,9 tạ/ha. Bình quân chung cả 2 vụ đạt 60,6 tạ/ha, sản lượng đạt trên 492.133 tấn. Như vậy, so với năm 2011, năng suất lúa tăng 0,24 tạ/ha, sản lượng tăng 3.712 tấn. Đây là mức tăng kỷ lục và đáng khích lệ, góp phần đáng kể vào mục tiêu bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực.
Cùng với sản xuất lúa, diện tích gieo trồng các loại cây ngắn ngày khác cũng đều đạt và vượt kế hoạch, năng suất, sản lượng đề ra. Cụ thể, cây ngô diện tích ước đạt 6,1 nghìn ha, năng suất 30,9 tạ/ha; cây rau đậu 9,9 nghìn ha, sản lượng 141.852 tấn. Các cây nguyên liệu chủ lực phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh là lạc, sắn, mía, dứa cũng tương đối ổn định: cây lạc 4,7 nghìn ha, đậu tương 3,1 nghìn ha, mía 992 ha, cói 143 ha, dứa 2,4 nghìn ha....
Bên cạnh việc giữ vững được thế tăng trưởng ổn định của ngành trồng trọt, trong năm 2012 trên lĩnh vực chăn nuôi tuy dịch cúm gia cầm xảy ra và tác động tiêu cực đến người chăn nuôi nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ngành chuyên môn và người chăn nuôi nên dịch bệnh đã được kiểm soát, không chế có hiệu quả, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 3,7 nghìn tấn, tăng 5,6%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 45,4 nghìn tấn, tăng 3,9%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 7,1 nghìn tấn, tăng 2,6%...
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp năm 2012 còn có những điểm nổi bật như các địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những mô hình đạt giá trị sản xuất trên 70 triệu đồng/ha/năm; thực hiện thí điểm cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Năm 2013, sản xuất nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Ninh Bình đặt ra là giữ ổn định 75.000-80.000 ha đất lúa để đạt 480 nghìn tấn thóc; đảm bảo tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt từ 2% trở lên. Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT thì điều quan trọng nhất là phải làm sao tăng năng suất, sản lượng đi đôi với chất lượng, giá trị. Để làm được điều này cần phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Một trong những giải pháp trước mắt là tiếp tục mở rộng cánh đồng mẫu lớn chất lượng cao; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao đạt 40%, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Mở rộng diện tích vụ đông nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bán công nghiệp và trang trại, bảo đảm ngăn ngừa dịch bệnh, gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Phát huy những tiềm năng trước kia của Ninh Bình để phát triển chăn nuôi như Trại giống lợn Pic (Vương quốc Anh) tại thị xã Tam Điệp, chăn nuôi bò sữa tại Phùng Thượng (Nho Quan)…
Phát triển nuôi trồng thủy sản năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, nhất là vùng biển Kim Sơn, vùng trũng 1 vụ lúa - 1 vụ cá ở Nho Quan, Gia Viễn.
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp, rau quả, khuyến khích và hỗ trợ các hộ sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến VietGap, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với việc xây dựng thương hiệu lúa thơm Hương Bình, dê núi Ninh Bình, ngao Kim Sơn...
Nguyễn Lựu