Hiện nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, có 6/7 huyện, thị có dịch đã công bố hết dịch, chỉ còn một điểm ở xã Yên Đồng (Yên Mô) chưa qua 21 ngày. Dự kiến đến đầu tháng 10 sẽ công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Dịch bệnh đi qua, nhận thức được lợi ích về kinh tế trong phát triển chăn nuôi nên hiện nay các địa phương đang tích cực khôi phục tổng đàn.
Xã Yên Sơn là địa phương phát triển chăn nuôi, kinh doanh gia cầm lớn nhất thị xã Tam Điệp. Toàn xã có 200 hộ chăn nuôi gia cầm với trên 32.000 con. Dịch cúm gia cầm vừa qua đã để lại hậu quả khá nặng nề cho các hộ chăn nuôi ở đây với tổng số gần 13.000 con gia cầm ốm, chết và bị tiêu hủy. Sau hơn 1 tháng đẩy lùi dịch bệnh, các hộ chăn nuôi ở đây đang khẩn trương bắt tay vào củng cố chuồng trại, vệ sinh môi trường, tiêm phòng và mua con giống mới chuẩn bị cho việc tái sản xuất đàn gia cầm.
Để việc khôi phục tổng đàn sau dịch đạt hiệu quả cao, thị xã Tam Điệp đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trong đợt dịch vừa qua để khắc phục những tồn tại trong chăn nuôi. Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cơ bản nhất về chăn nuôi an toàn.
Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y khuyến cáo: Sau dịch, các địa phương tổ chức khôi phục chăn nuôi nhưng cần thận trọng, tránh nóng vội, không nên ồ ạt tái đàn. Khi khôi phục cần để trống chuồng tối thiểu 21 ngày kể từ ngày vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Trước khi nuôi trở lại, cơ sở chăn nuôi phải được tiếp tục vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại các cơ sở có uy tín. Hàng ngày phải quan sát, theo dõi đàn gia cầm, nếu thấy có biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y để can thiệp kịp thời.
Thời gian qua, Chi cục cũng đã phối hợp với UBND huyện Yên Mô tổ chức 8 lớp tập huấn hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và chăn nuôi trở lại sau dịch. Ngày 24-9, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện quản lý các cơ sở ấp trứng gia cầm, chăn nuôi thủy cầm và chăn nuôi gia cầm trở lại sau dịch.
Theo đó yêu cầu các cơ sở ấp trứng đều phải thực hiện các điều kiện như: khai báo với cơ quan thú y để được hướng dẫn, giám sát về dịch bệnh; địa điểm ấp trứng phải nằm ngoài nội thành, nội thị, cách biệt với nơi ở, trường học, bệnh viện, chợ và các nơi công cộng khác; trứng đưa vào ấp phải được sản xuất từ các đàn gia cầm bố mẹ khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, đã tiêm phòng vắc xin; trứng, lò ấp, dụng cụ ấp phải được khử trùng tiêu độc trước và sau khi ấp; gia cầm sau khi nở phải được tiêm chủng các loại vắc xin...
Đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi thủy cầm phải thực hiện khai báo, đăng ký chăn nuôi thủy cầm, đồng thời phải thực hiện chăn nuôi có kiểm soát. Nghĩa là con giống phải lấy từ các cơ sở sản xuất giống đã được khai báo, đăng ký và được kiểm dịch của cơ quan thú y. Địa điểm chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch chăn nuôi của địa phương và đều phải nằm ngoài khu vực nội thành, nội thị. Phải thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, tiêu độc, khử trùng định kỳ. Khi phát hiện thủy cầm có dấu hiệu bị bệnh, chủ chăn nuôi phải khai báo ngay với chính quyền hoặc nhân viên thú y xã...
Chăn nuôi gia cầm chiếm vị trí thứ hai về giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi. Nhanh chóng khôi phục đàn gia cầm sau dịch là việc làm cần thiết, nếu khôi phục nhanh, sẽ góp phần bình ổn giá các mặt hàng thực phẩm đang có xu hướng tăng cao trong thời điểm giáp Tết. Tuy nhiên để phát triển đàn gia cầm một cách bền vững, các địa phương cần thực hiện tốt các nội dung như văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa chăn nuôi trong cộng đồng dân cư.
Hà Phương