Vụ mùa năm 2019, Nho Quan dự kiến gieo cấy 4.286 ha lúa, trong đó trà mùa sớm chiếm gần 50% tổng diện tích, đây cũng là diện tích để huyện phát triển cây vụ đông (chủ yếu nằm ở vùng đất vàn, vàn cao). Do vụ đông xuân năm nay khâu thu hoạch được thực hiện sớm hơn 5-7 ngày so với vụ đông xuân trước; công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa (giống, phân bón, gieo mạ, tưới tiêu, làm đất...) đã được thực hiện kịp thời nên Nho Quan sớm hoàn thành khâu gieo cấy lúa mùa.
Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngày 15/7, toàn huyện đã cơ bản cấy xong gần 4.300 ha lúa mùa theo kế hoạch, có 1.800 ha lúa mùa được thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng, gieo vãi. Đây cũng là nguyên nhân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa của huyện. Hiện nay, nông dân Nho Quan đã chuyển trọng tâm sang công tác chăm sóc và bảo vệ cho lúa. Nhìn chung, lúa mùa của huyện đã bén rễ, hồi xanh nhanh, sinh trưởng và phát triển khá thuận lợi. Đến đầu tháng 8, Nho Quan đã hoàn thành chăm sóc đợt 1 và thực hiện đợt 2 được 2.000 ha.
Với huyện Yên Mô, trong vụ mùa 2019 huyện dự kiến gieo cấy gần 6.674 ha lúa, chủ yếu ở trà mùa trung với 70% diện tích là giống lúa thuần chất lượng cao. Bà Lê Thị Linh, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Nhờ sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tốt các biện pháp thâm canh nên đến ngày 10/7, Yên Mô đã hoàn thành khâu gieo cấy lúa mùa, trong đó có trên 5.805ha là lúa gieo thẳng.
Yên Mô cũng chỉ đạo các địa phương chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa; trong đó chu trọng việc hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật về bón phân, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại lúa và phun trừ kịp thời, hiệu quả. Đến nay đã có 660 ha lúa được chăm sóc đợt 2.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho rằng: Đối với diện tích lúa cấy sớm, hiện tại lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đã và đang tiến hành chăm sóc đợt 2, cần điều tiết nước hợp lý, giữ mực nước trên ruộng từ 3-5cm, để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tập trung, cũng như tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh.
Những diện tích lúa còn xấu, đẻ nhánh chậm, có thể phun bổ sung phân qua lá, để tăng cường chất dinh dưỡng, giúp cho lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Với diện tích lúa mới cấy, cần tiếp tục duy trì lớp nước trên mặt ruộng từ 2-3 cm. Kiểm tra, dặm tỉa kịp thời để đảm bảo mật độ, khi lúa đã bén rễ hồi xanh, vươn lá mới và ra rễ trắng thì tiến hành bón thúc đầy đủ, cân đối theo phương châm "nặng đầu, nhẹ cuối". Lượng phân bón cho 1 sào: 3 - 4 kg đạm urê + 2 - 3 kg kali.
Cùng với việc bón thúc cần kết hợp với làm cỏ sục bùn để tiêu diệt cỏ dại là đối tượng cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng đối với cây lúa, giúp giải phóng khí độc tích tụ trong đất, cung cấp ôxy giúp rễ lúa phát triển tốt, cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tránh hiện tượng mất dinh dưỡng do rửa trôi và bay hơi trong điều kiện nắng nóng hoặc mưa xảy ra.
Riêng đối với lúa gieo thẳng, sau khi gieo phải phun thuốc trừ cỏ và thường xuyên kiểm tra, giữ nước trong rãnh để giữ ẩm mặt luống; khi lúa đạt 2,5 lá, đưa nước sắp mặt ruộng, tiến hành bón 2 kg đạm + 1 kg kali, kết hợp dặm tỉa sơ bộ, sau khi bón 3 - 4 ngày rút nước giữ đủ ẩm để lúa phát triển thuận lợi. Khi lúa đạt 5 - 6 lá, đưa nước trở lại và tiến hành bón thúc với lượng 3-4 kg đạm + 2-3 kg kali, kết hợp dặm tỉa định mật độ và tiến hành chăm sóc như đối với lúa cấy.
Hiện tại, trên đồng ruộng đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại như: ốc bươu vàng, chuột hại và sâu đục thân lúa 2 chấm. Đến ngày 31/7/2019, toàn tỉnh có 656 ha lúa nhiễm sâu bệnh hại, trong đó sâu đục thân 2 chấm lứa 4 (ổ trứng) 200 ha, phòng trừ được 50 ha; sâu đục thân 2 chấm lứa 4 (lúa) 30 ha; ốc bươu vàng 167 ha, phòng trừ được 145 ha; khô vằn 200 ha; chuột 59 ha.
Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh khuyến cáo các đơn vị, địa phương phát động nhân dân tăng cường thăm đồng bắt ốc bươu vàng, trứng ốc và chỉ sử dụng thuốc diệt ốc bươu vàng khi mật độ ốc quá cao. Phát động nhân dân diệt chuột bằng các biện pháp thủ công là chủ yếu (đào bắt thủ công, hun khói, dùng chó săn chuột…); đồng thời chú ý đề phòng sâu đục thân lúa 2 chấm, thực hiện theo thông báo và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Lúa mùa sau khi cấy dễ dẫn đến hiện tượng bị nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ (do rơm, rạ của vụ đông xuân được vùi xuống ruộng chưa phân hủy hết), cần phun bổ sung phân qua lá, bón thêm 10 - 15 kg vôi bột/sào kết hợp sục bùn kỹ để giải phóng khí độc trong đất, khi lúa xanh trở lại có lá mới và rễ trắng thì tiến hành chăm sóc như bình thường.
Thực tiễn cho thấy, kết quả gieo cấy mới chỉ là điều kiện tiền đề quan trọng bước đầu để đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra; còn biện pháp chăm sóc, bảo vệ và hạn chế ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, sâu bệnh mới là yếu tố quyết định kết quả của vụ mùa.
Trường Sinh