Xã Khánh Lợi (Yên Khánh) có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất các loại cây rau màu, đặc biệt là cây lạc. Trên các cánh đồng màu của xã, bà con đang tranh thủ ra đồng làm cỏ, xới gốc và bón thúc các loại phân nhằm đảm bảo để cây lạc phát triển, ra hoa và đậu củ trong điều kiện tốt nhất.
Chị Lê Thị Hà, xóm 3, Khánh Lợi vừa cùng hai cậu con trai nhổ cỏ cho diện tích lạc của gia đình vừa trò chuyện với chúng tôi. Chị chia sẻ: ở vụ xuân, ngoài 8 sào lúa cấy, năm nào gia đình chị cũng trồng 2-3 sào lạc. Trung bình mỗi sào chi phí hết khoảng 500 nghìn đồng, bao gồm 7 kg lạc giống, khoảng 25 kg NPK, phân chuồng, vôi bột. Nếu năm nào điều kiện thời tiết thuận lợi, không bị sâu bệnh, chị sẽ thu được khoảng 120kg lạc/sào, lãi 4 đến 5 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với gia đình, do vậy, chị Hà chăm chút rất cẩn thận cho diện tích lạc này.
"Hiện nay, cây lạc đang bắt đầu cho hoa bói, đây là thời kỳ đặc biệt quan trọng, quyết định đến năng suất cuối vụ. Vì thế, tôi đang tranh thủ làm cỏ kết hợp xới xáo, tạo cho đất tơi xốp, thoáng khí, để rễ lạc sinh trưởng, phát triển tốt", chị Hà cho biết.
Còn trên địa bàn xã Khánh Thành (Yên Khánh) cũng có tới hàng chục ha chuyên canh trồng rau màu các loại. Trong đó các loại rau xanh như: cải ngọt, mướp đắng, đậu, dưa leo, mướp hương. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ để rau màu phát triển tốt, cho năng suất cao.
Ông Nguyễn Hoàng Kim, Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành cho biết: từ Tết nguyên đán đến nay, giá rau xanh luôn duy trì ở mức cao nên bà con xã viên hết sức phấn khởi. Hiện HTX đang hướng dẫn bà con lựa chọn cây trồng phù hợp, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học, nhất là triển khai rộng rãi quy trình sản xuất rau sạch theo mô hình VietGap vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh gieo trồng hơn 800 ha cây rau màu các loại. Trong đó, nhiều nhất là lạc với 2.562 ha, rau đậu với hơn 2.000 ha, còn lại là khoai lang, sắn, mía…Hiện nay, hầu hết các loại cây trồng này đều đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng, đã xuất hiện một số sâu bệnh hại. Đáng chú ý nhất là bệnh lở cổ rễ, sâu khoang trên cây lạc và sâu keo mùa thu hại trên cây ngô.
Kỹ sư Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh) cho biết: Trong điều kiện mưa nhiều ướt đất, độ ẩm cao như hiện nay thì lạc rất dễ bị nấm phá hoại ở phần cổ rễ, rễ, gốc gây ra hiện tượng cây bị đổ ngã và héo chết. Để hạn chế, bà con cần tránh để đất quá ẩm hoặc đọng nước, bón vôi bột kết hợp với xới xáo làm thoáng đất. Có thể dùng các loại thuốc hóa học như Ridomil hay các hoạt chất Hexaconazole, Difenoconazole… để phòng trừ.
Ngoài ra, ở cây lạc, bà con cũng cần lưu ý đến đối tượng sâu khoang. Đây là đối tượng rất nguy hiểm, chúng có ăn trụi hết lá, cành, hoa, nụ,… làm giảm năng suất lạc. Sâu hại nặng nhất từ khi lạc tạo quả đến vào chắc. Bà con phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi thấy sâu khoang xuất hiện trên đồng ruộng cần áp dụng đồng bộ các biện pháp thủ công, hóa học, sinh học để xử lý.
Cụ thể: Dùng bẫy đèn và bẫy chua ngọt để bắt và tiêu diệt sâu trưởng thành, bắt ổ trứng và sâu tuổi nhỏ khi chúng chưa phân tán; dùng pheromone giới tính để tiêu diệt bớt sâu trưởng thành nhằm hạn chế sự sinh sản của quần thể. Có thể sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học hoặc thuốc hóa học theo khuyến cáo.
Về đối tượng sâu keo mùa thu trên cây ngô, đây là loài sâu hại mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô. Đặc điểm phát sinh, gây hại: sâu non sau khi nở chui thẳng vào ngọn cây ngô gây hại, chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô thường bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá tiếp theo, cây sinh trưởng chậm và có thể sẽ chết héo do không còn khả năng quang hợp.
Để phòng trừ đối tượng này, bà còn nên thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp sau: Sử dụng bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone để diệt sâu trưởng thành. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng bắt sâu tuổi lớn, ngắt bỏ ổ trứng (đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá). Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng phun trừ vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Bài, ảnh: Hà Phương