Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, thời tiết đầu vụ đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ mùa, đặc biệt là ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy lúa mùa và gieo trồng các cây màu. Cụ thể, tháng 6 và đầu tháng 7, Ninh Bình chịu ảnh hưởng của 5 đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ nhiều ngày lên tới 38-40,1 độ C, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất để gieo cấy lúa mùa, nhất là ở những diện tích không chủ động được nước, vùng cao khô hạn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 gây ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trong nhiều ngày làm ngập úng một số diện tích lúa mới gieo cấy ở vùng trũng, nhiều nơi phải gieo cấy lại từ 2-3 lần. Điều này dẫn đến thời vụ gieo cấy kéo dài, đến ngày 5/8 các địa phương mới kết thúc được gieo cấy, chậm hơn vụ mùa năm 2017 từ 7-10 ngày, đặc biệt là huyện Kim Sơn, nhiều cánh đồng, lúa không cùng trà, cùng giống.
Ông Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Đến nay, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã cơ bản khắc phục những khó khăn ở đầu vụ. Toàn tỉnh gieo cấy được trên 35.500 ha lúa, trong đó diện tích lúa gieo thẳng là gần 17.600 ha. Nhìn chung, lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt. Trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn trỗ bông đến chắc xanh, trà lúa mùa trung, mùa muộn đang ở cuối thời kỳ đẻ nhánh - làm đòng.
Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn còn nhiều yếu tố có thể gây thiệt hại đến năng suất và sản lượng toàn vụ. Do vậy, bà con nông dân không nên chủ quan, cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng và chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc thích hợp.
Trong đó, đặc biệt chú ý đảm bảo đủ nước trong ruộng để các trà lúa sinh trưởng, phát triển, làm đòng, trỗ bông thuận lợi. Cần phân rõ các trà lúa để có các biện pháp chăm sóc cân đối, đúng kỹ thuật, hạn chế các đối tượng sâu hại cuối vụ. Đối với những diện tích bị ảnh hưởng của mưa lũ phải gieo cấy lại và gieo cấy muộn, hiện tại mới đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái, cần tập trung bón thúc lượng kali còn lại. Vì năm nay mưa nhiều, lượng đạm tự nhiên khá dồi dào nên bà con không cần bón nhiều đạm, hạn chế bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.
Kết quả điều tra đồng ruộng mới đây cho thấy: Một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa. Cụ thể: Rầy trưởng thành lứa 6 đã gây hại rộng trên các trà lúa ở các huyện, thành phố trong tỉnh với mật độ rầy phổ biến từ 100-120 con/m2, cá biệt có nơi trên 2.000 con/m2. Bên cạnh đó, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 đang ra rộ với mật độ phổ biến từ 0,5 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2; trứng phổ biến với mật độ 20-30 quả/m2, nơi cao 50-80 quả/m2; sâu non đang nở rộ với mật độ cao 15-20 con/m2.
Ngoài ra, bướm sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 5 tiếp tục ra, sâu non nở rộ và gây hại trên các trà lúa trỗ từ nay đến cuối tháng 9. Bệnh lùn sọc đen phương Nam, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... hại tăng cho các trà lúa. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại cục bộ cho các giống lúa nhiễm như: Nếp, BC15, TBR225... Các chuyên gia BVTV khuyến cáo: Các địa phương, bà con nông dân cần thường xuyên bám sát, kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng dịch hại và phun trừ khi đến ngưỡng.
Trong đó, đặc biệt chú ý đến rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 7. Rầy cám lứa 7 sẽ nở rộ từ 13-23/9 với mật độ phổ biến từ 300-400 con/m2, nơi cao từ 2.000-3.000 con/m2, cá biệt có chỗ hàng vạn con/m2. Thời điểm phun trừ thích hợp nhất là khi rầy ở tuổi 2, thời gian phun từ ngày 17-22/9. Với sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, thời gian tới sẽ tiếp tục gây hại rộng trên các trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây hại nặng, làm sơ trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng đến năng suất.
Do vậy, khi điều tra thấy mật độ sâu trên đồng ruộng đạt trên 20 con/m2 thì phải phun trừ ngay bằng các loại thuốc có hoạt chất Fipronil, Indoxacarb, Abamectin, Emamectin. Những ruộng có mật độ sâu cao hơn 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ kép với lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Ngoài ra, bà con cũng cần chú ý phát hiện và nhổ vùi các cây lúa bị bệnh lùn sọc đen phương Nam và khoanh vùng phun trừ rầy môi giới, hạn chế tối đa sự lây lan của bệnh trên đồng ruộng; phòng trừ sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông...
Bài, ảnh: Hà Phương