Tham dự buổi tập huấn có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; các phòng, ban thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Phòng Văn hóa- Thông tin các huyện, thành phố và đại diện hộ kinh doanh, nghệ nhân các làng nghề: Đá mỹ nghệ, thêu ren, gốm mỹ nghệ… trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Sau khi Công văn số 2662 được ban hành, việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cúng tiến các biểu tượng, linh vật đã được các nghệ nhân, các tổ chức và nhân dân nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học.
Vấn đề sử dụng biểu tượng trang trí, hay sản phẩm văn hóa nước ngoài,vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di săn văn hóa dân tộc trong giai đoạn giao lưu và hội nhập quốc tế đã được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn.
Tại các địa phương, nhiều di tích bày đặt sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích đã tự di dời, gỡ bỏ.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, việc thực hiện Công văn 2662 cũng được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Song song với việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước, tỉnh ta cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung công văn 2662.
Sau 3 năm thực hiện, Ninh Bình đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, Chùa Nhất Trụ và Đền Đức thánh Nguyễn.
Tuy nhiên, cũng như những địa phương khác, việc thực hiện công văn 2662 ở Ninh Bình vẫn còn nhiều khó khăn, đó là một số cán bộ và nhân dân vẫn còn chưa phân biệt được các loại tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai và các sản phẩm truyền thống...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Sở Văn hóa Thể thao Ninh Bình tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tại hội nghị này, các nhà quản lý, các nghệ nhân của tỉnh Ninh Bình có dịp trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm nắm rõ hơn giá trị di sản nghệ thuật truyền thống của địa phương, cũng như tiếp thu tinh hoa, ứng dụng sáng tạo trong các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm truyền thống của xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống, gắn với kinh tế du lịch của Ninh Bình.
Đào Hằng