Tính đến hết tháng 9/2018, cả nước có trên 22 nghìn HTX đang hoạt động với trên 6,5 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động mang lại thu nhập bình quân người lao động xấp xỉ 4 triệu đồng/người/tháng. Xét về khả năng thâm nhập vào thị trường quốc tế của khối kinh tế trong nước cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là khu vực kinh tế tập thể.
Tại địa bàn tỉnh, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, các HTX kiểu mới ra đời đã tập trung phát triển sản xuất, nhiều HTX nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn, hầu như chưa thể tiếp cận với thị trường quốc tế.
Tại lớp tập huấn, các học viên được giảng viên là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Yến (Trưởng ban Quan hệ quốc tế, Liên minh HTX Việt Nam) truyền đạt 2 nội dung, gồm: vai trò của kinh tế tập thể trong kinh tế quốc tế và rào cản thương mại; quy trình sản xuất ra một sản phẩm nông sản tiêu chuẩn.
Lớp tập huấn đem đến cho các học viên, là lãnh đạo các HTX một cách nhìn tổng quát về vấn đề xuất khẩu sản phẩm tại thị trường quốc tế như: thực trạng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quy trình và thủ tục nhập khẩu của một số quốc gia, các chính sách thương mại, rủi ro có thể gặp phải... Qua đó giúp đội ngũ cán bộ HTX từng bước tiếp cận, nghiên cứu về thị trường quốc tế; đề xuất giải pháp thúc đẩy HTX tham gia hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.
Thái Học