Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện rải rác tại Ninh Bình từ vụ mùa vào khoảng tháng 8/2009 trên các giống lúa chủ yếu như: Bắc ưu 903, Hương thơm số 1, LT2, Bắc thơm số 7…, tập trung hại nặng ở huyện Kim Sơn và thị xã Tam Điệp.
Đến nay, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tổng diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa là 916 ha (Kim Sơn 764 ha, thị xã Tam Điệp 152 ha). Ngoài ra, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cũng đã xuất hiện trên cây trồng vụ đông như cây ngô, đặc biệt bị nặng trên giống ngô ngọt ở nhiều HTX, xã của huyện Yên Mô, Yên Khánh.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã có công điện gửi đến 19 tỉnh, thành phía bắc cảnh báo về dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và biện pháp phòng trừ.
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã xuất hiện tại Ninh Bình từ tháng 8/2009. Theo đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn giúp cán bộ lãnh đạo các xã hiểu hơn về dịch bệnh này, có biện pháp hướng dẫn nông dân phòng chống dịch bệnh và dùng thuốc phòng trừ đặc hiệu khi bệnh xuất hiện.
Theo các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp cả nước, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là do virus gây bệnh lan truyền qua rầy các loại (rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ), vì vậy việc theo dõi và phát hiện chúng để phòng trừ kịp thời là rất cần thiết.
Huy Hoàng