Để có được kết quả đó, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách, cơ chế thông thoáng thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp... Phát triển và đẩy mạnh thương mại, du lịch. Hỗ trợ các cơ sở làm nghề thủ công truyền thống về vốn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng... để duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động (hàng năm, tỉnh ta đã giới thiệu được 16.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể như: Nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh... nhằm vận động, thu hút hội viên tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho người lao động. Trong 10 năm (1999 - 2008), toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hàng chục nghìn người, chỉ tính riêng trong năm 2007, con số này đã đạt 23.641 người, tăng 20.202 người so với năm 1998. Một số ngành nghề thiết thực đã được chú trọng đào tạo là: Kỹ thuật điện dân dụng, điện tử, xây dựng, mỹ nghệ gỗ, đá, kỹ thuật cơ khí, sửa chữa ôtô, xe máy, máy may, thêu ren... Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 12% (năm 2002) lên 24% (năm 2008). Đa phần lao động được đào tạo nghề đã có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình. Nho Quan là một trong những huyện có bước chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trao đổi với đồng chí Bùi Văn Đỉnh, Trưởng phòng Lao động, thương binh, xã hội huyện, chúng tôi được biết: Hiện nay, Nho Quan có trên 85.000 người ở độ tuổi lao động, trong đó 83.942 người có khả năng lao động (chiếm 57% tổng dân số). Nhiều năm qua, Nho Quan xác định giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn với thu nhập và cuộc sống ổn định là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mấu chốt để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này là: Coi trọng đào tạo nghề, truyền nghề dưới nhiều hình thức để người nông dân có việc làm tại nhà cũng như được tuyển dụng vào làm việc ở các nhà máy trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trên cơ sở đó, huyện đã thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo giải quyết việc làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, mùa vụ; tăng cường xuất khẩu lao động; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, dịch vụ, phát triển nghề TTCN như: Thảm cói, thêu ren, gỗ, gốm... nhằm thu hút tối đa lao động trong địa phương. Một số xã có nghề truyền thống đã tập trung quy hoạch, khôi phục và phát triển thành các làng nghề.
Làm nghề bún bánh ở thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh). Ảnh: Thanh Bình
Đến nay, Nho Quan đã có 4 làng nghề: Thêu ren; Gốm (Gia Thủy); Mây tre đan xuất khẩu (Văn Phú); Mộc - TTCN Quỳnh Phong (Sơn Hà). Hoạt động của các làng nghề này đã thu hút trên 400 lao động với mức thu nhập trung bình đạt 750.000 đồng/tháng/người, góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các phòng chức năng tiến hành rà soát, phân loại đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý.
Với những giải pháp hiệu quả trên, trung bình mỗi năm, Nho Quan đã tạo được việc làm cho 4.000 người. Riêng trong năm 2007, tổng số lao động được giải quyết việc làm là 3.822 người, vượt so với kế hoạch là 9%, trong đó 2.036 người được tạo việc làm mới. Trong công tác tạo việc làm cho người lao động, Nho Quan đặc biệt chú ý đến những đối tượng bị thu hồi đất. Năm 2007, huyện đã tạo việc làm cho 308 đối tượng trên (đạt tỷ lệ 32% tổng số lao động bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp). Điều đáng nói, trong công tác giải quyết việc làm, Nho Quan đã đề ra được những chính sách ưu đãi: Giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề... cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn. Nhờ vậy mà ngay trong năm 2008, Nho Quan đã có Công ty Happytex Việt Nam và Công ty May Thăng Long về đầu tư xây dựng phân xưởng may tại các xã Văn Phú và Đồng Phong. Hiện tại các Công ty này đã triển khai dạy nghề tại chỗ, tạo việc làm cho trên 800 lao động địa phương. Như vậy, mục tiêu giải quyết việc làm cho 4.000 - 4.300 lao động trong năm 2008 là vấn đề có thể thực hiện được.
Bằng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cùng sự vươn lên của bản thân người lao động, công tác giải quyết việc làm ở Ninh Bình thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Đinh Ngọc