Là cán bộ của một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, chị Cúc luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào phụ nữ của xã. Trong lòng chị luôn đau đáu một tâm nguyện làm được điều gì đó giúp những người phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu và làm chủ chính bản thân mình. Qua tìm hiểu các mô hình và cách làm khác nhau, chị thấy sản xuất các mặt hàng từ thảm cói rất phù hợp với điều kiện lao động dư thừa và nhàn rỗi trong nông thôn, nhất là lao động nữ không thể tách rời gia đình để đi làm xa.
Cơ sở của chị chỉ là khâu trung gian, mua nguyên liệu là cói và bèo bồng từ các vùng như Kim Sơn, Nga Sơn (Thanh Hóa), Hà Tây. Sau đó giao lại cho chị em phụ nữ trong xã mang về đan và nhập trở lại cơ sở của chị. Sau khi kiểm tra hàng không có lỗi hỏng thì tiếp tục xuất bán cho các doanh nghiệp trong tỉnh làm những công đoạn cuối cùng.
Các sản phẩm của cơ sở có hàng trăm mẫu mã khác nhau, được những bàn tay khéo léo của những chị em phụ nữ tạo nên. Những sản phẩm từ cói và bèo bồng chủ yếu là làn, thảm, hộp… đều là các sản phẩm dễ tiếp cận và dễ làm nên hầu như sản phẩm của chị em phụ nữ trong xã làm ra có chất lượng tốt.
Với uy tín đã tạo dựng được, cơ sở của chị thu hút người lao động ngày càng đông, lúc nhiều nhất cũng có trên 200 lao động, còn những lúc mùa vụ bận rộn cũng thu hút trên 100 lao động.
Chị Nguyễn Thị Nghê cho biết: Từ trước đến nay, gia đình tôi sinh sống bằng nghề nông, quanh năm với cây lúa, cây ngô, cây khoai, chỉ đủ để nuôi sống các thành viên trong gia đình chứ chưa có điều kiện cải thiện cuộc sống. Nhưng từ khi biết chị Cúc mở cơ sở đan thảm cói và bèo bồng tôi đã học và tham gia sản xuất. Tôi thấy rằng đây là một nghề rất phù hợp với chị em phụ nữ, cần sự chăm chỉ, cần mẫn và có thể tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi. Được biết trong năm 2008, cơ sở của chị Cúc đã nhận giảng dạy cho gần 100 chị em phụ nữ trong dự án dạy nghề thảm cói và bèo bồng do huyện hỗ trợ.
Hương Giang