Thời điểm này, Trung tâm Thiếu nhi tỉnh đã có kế hoạch để các em thiếu niên, nhi đồng tham gia sinh hoạt trong mùa hè 2016. Theo đó, mùa hè này, Trung tâm sẽ có nhiều hoạt động, nhiều lớp năng khiếu để thu hút thiếu niên, nhi đồng nhằm tạo sân chơi bổ ích, an toàn trong dịp hè, giúp các em phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ. Tỉnh đoàn cũng đã triển khai nhiều kế hoạch để tổ chức các hoạt động hè cho các em thiếu nhi như: Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao tại các khu dân cư, tổ chức Tết thiếu nhi 1/6, tổ chức chương trình "Học kỳ trong quân đội"…Tuy nhiên những hoạt động này mới chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận thiếu nhi, đa số là ở thành phố, còn số các em thiếu nhi không có sân chơi trong dịp hè vẫn chiếm đa số, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương đã cố gắng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em nhỏ trong dịp hè để các em đón mùa hè bổ ích, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, các hoạt động hè được tổ chức tại các xã, phường hiện còn "nghèo" cả về nội dung và hình thức thể hiện, chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi sinh hoạt múa hát, vì vậy không tạo được sức hút với thanh thiếu niên, nhi đồng, lý do là kinh phí dành cho việc tổ chức các hoạt động hè tại cơ sở còn thiếu.
Hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ có rất ít điểm vui chơi thực sự cho trẻ. Vì vậy mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ em chạy nhảy, nô đùa, chơi các trò chơi bóng đá, cầu lông, nhảy dây ngay trên đường làng, ngõ xóm. Tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em trong dịp hè một vài năm trở lại đây tăng đột biến với những nguyên nhân chủ yếu như ngã, tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng… Không có điểm vui chơi tập trung, gần nhà, nhiều em đành phải chọn giải pháp là… ở trong nhà xem hoạt hình và chơi điện tử. Ngoài các điểm vui chơi như nhà văn hóa, sân vận động của huyện, của xã, thị trấn thì các em không có điểm vui chơi tập trung nào. Mà trên thực tế, không phải nơi nào cũng có nhà văn hóa, sân thể thao lại càng ít. Hơn nữa, các nhà văn hóa lại hoạt động không thường xuyên, mà thường được mở cửa vào các dịp lễ, tết. Thêm vào đó, cơ sở vật chất còn hạn chế nên không hấp dẫn thiếu nhi trên địa bàn. Vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc thu hút tập hợp đội viên, đoàn viên vào tổ chức còn hạn chế, mang tính hình thức, chưa thực sự thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia. Không có chỗ chơi tập trung, ổn định, không người quản lý, định hướng chơi nên các em dễ sinh ra chơi bời, lãng phí thời gian vào các hoạt động không lành mạnh.
Lâu nay, nói đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chúng ta vẫn nhắc tới việc tạo sân chơi, xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ. Nhưng trên thực tế, những điểm vui chơi, giải trí cho các em trên địa bàn còn quá ít. Để có một sân chơi nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện cho trẻ thì không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc quy hoạch và xây dựng các công trình vui chơi, giải trí cần mang tính chiến lược lâu dài, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận nhân dân. Đã đến lúc phải có những giải pháp đồng bộ trong việc xây dựng sân chơi cho trẻ em xứng tầm với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong những năm tới, để không còn tình trạng trẻ em "khát" sân chơi trong dịp hè rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và địa phương để huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng các công trình khu vui chơi tại cộng đồng dân cư nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi phù hợp. Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò xã hội hóa trong đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí ở thôn, xóm, khu dân cư. Đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội trong việc thu hút, tập hợp thanh thiếu nhi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn…
Quỳnh Thu