Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nếu có thể nói ngắn gọn về kết quả việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, đồng chí sẽ nói gì ?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Trong bối cảnh năm 2012 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta là đáng ghi nhận. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,05%; sản xuất công nghiệp tăng 14,6% so với năm 2011; nông nghiệp phát triển ổn định; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, du lịch phát triển khá; văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội và đời sống nhân dân được đảm bảo; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều tiến bộ. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của tỉnh thì có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch là kim ngạch xuất khẩu; sản lượng lương thực có hạt và tỷ lệ hộ nghèo; có 6 chỉ tiêu chưa đạt và sấp xỉ đạt và 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết các nguyên nhân làm cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 của tỉnh ta chưa đạt kế hoạch đề ra?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Các chỉ tiêu kinh tế không đạt thứ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 11,05% (thấp hơn kế hoạch 3,44%, song vẫn cao so với một số tỉnh, thành trong cả nước), điều này có nguyên nhân khách quan là những khó khăn về kinh tế của thế giới và trong nước đã tác động trực tiếp đến tỉnh ta. ở trong nước, lạm phát và lãi suất tín dụng vẫn tăng cao. Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Và hệ quả là nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn; doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh do không tiếp cận được nguồn vốn. ở tỉnh ta có đến 30% số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng gây nên những áp lực mới về mặt xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh còn phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai đợt mưa lớn kéo dài và cơn bão số 8 gây khó khăn và thiệt hại đáng kể. Về nguyên nhân chủ quan do công tác dự báo và xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội của năm 2012 của các ngành tham mưu chưa chính xác. Khi xây dựng kế hoạch, chúng ta chưa lường trước được những khó khăn và diễn biến xảy ra. Nguyên nhân nữa là nền kinh tế của tỉnh ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, ngành sản xuất vật liệu xây dựng năm qua gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Xi măng, sắt, thép, gạch, đá... đều giảm mạnh, một phần do tác động của chính sách thắt chặt đầu tư công, làm cho hàng tồn kho xi măng, sắt thép... lớn. Bên cạnh đó cũng còn các nguyên nhân nữa là các nguồn vốn đầu tư để phát triển giảm. Vốn ngân sách Nhà nước có thể nói là thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ đạt 2.684 tỷ đồng, giảm 5,4%. Vốn tín dụng giảm 79,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 40,5%... nên tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Một số công trình dự án lớn bị kéo dài, hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán chậm cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm qua. Đối với chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn, tỉnh ta đạt 2.593,3 tỷ đồng, mới đạt 91% kế hoạch HĐND tỉnh giao; những điều đó đã tác động và làm cho giá trị sản xuất khu vực 1 và khu vực 3 giảm và như vậy cũng tác động và làm cho một số chỉ tiêu khác chưa đạt hoặc mới xấp xỉ đạt kế hoạch.
Phóng viên: Trước những khó khăn về kinh tế nhưng an sinh xã hội của tỉnh ta vẫn được đảm bảo, xin đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trong năm qua được tập trung chỉ đạo. Các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực thực hiện các chính sách xã hội và huy động được nhiều nguồn lực cho việc xóa nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hết năm 2010, chúng ta đã cơ bản xóa xong nhà tranh tre, vách đất. Năm 2012, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, thực hiện mục tiêu giảm nghèo với tổng dư nợ đạt 1.588 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm, trong đó có trên 37.000 lượt hộ nghèo được vay với lãi suất ưu đãi. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi và 100% hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội 1.500 tỷ đồng cho các đối tượng. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công. Việc đầu tư cho xây dựng nông thôn mới được chú trọng và nhiều nơi đã trở thành phong trào rộng rãi, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tỉnh đã lồng ghép đầu tư cho lĩnh vực này là trên 600 tỷ đồng. Một số chính sách đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là những xã làm trước. Nhiều tổ chức kinh tế đã hảo tâm ủng hộ cho người nghèo như tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh gần 3.000 con bê, nghé giống và xây dựng 135 căn nhà tình nghĩa... Chúng ta đã tổ chức dạy nghề cho trên 16.600 lao động (đạt 100% kế hoạch); giải quyết việc làm cho 18.724 lao động (vượt 0,13% kế hoạch), trong đó xuất khẩu lao động 711 người (đạt 47,4% kế hoạch); đưa tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 75%. Kết quả là trong năm, chúng ta đã giảm được trên 4.800 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 8%, vượt 1,3% so với kế hoạch. Làm tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch, nhân dân hiện đang rất quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về môi trường. Đồng chí có thể nói gì về vấn đề này?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Công tác quản lý Nhà nước về môi trường đã được tôi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIII vừa qua. Đúng là thời gian qua, chúng ta còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương. Cũng phải nói thêm rằng, trong những năm trước đây, do mong muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta đã mở rộng thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp để tăng tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế. Phát triển công nghiệp dù ít hay nhiều cũng có sự tác động đến môi trường và đã có những dự án gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nguyên nhân của việc này là do chủ đầu tư chưa tuân thủ những cam kết và chưa thực hiện đầy đủ việc đầu tư đảm bảo cho môi trường khi dự án hoạt động. ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về môi trường cũng chưa thật chặt chẽ, chưa đồng bộ và chưa thường xuyên, nhất là việc kiểm tra, phát hiện và xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước nhiều lúc còn lúng túng, thiếu kiên quyết, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững và trực tiếp là ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Do vậy, trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành chức năng làm hết trách nhiệm của mình về công tác quản lý Nhà nước về môi trường, nhất là Sở Tài nguyên - Môi trường, Cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền. Đề nghị nhân dân tích cực giám sát, giúp các cơ quan Nhà nước phát hiện các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền để nhân dân nhận thức tầm quan trọng của môi trường, thấy rõ vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường ở tỉnh ta có tầm quan trọng đặc biệt, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân phải nâng cao nhận thức và cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường vì cuộc sống của toàn dân. UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội các đoàn thể và nhân dân tạo điều kiện cho cá tổ chức kinh tế thực hiện tốt những quy định và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; đồng thời cũng yêu cầu các tổ chức kinh tế phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường. Nếu tổ chức nào, doanh nghiệp nào thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm, UBND tỉnh sẽ xử lý theo quy định. Chúng ta không thể vì những lợi ích trước mắt mà để mất môi trường trong sạch.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những giải pháp chủ yếu của UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013?
Đồng chí Bùi Văn Thắng : Năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Tuy vậy, đây vẫn là năm theo dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục còn khó khăn nên đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ, toàn dân, trong cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị để phấn đấu vượt khó, hoàn thành được các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp; tập trung xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, UBND tỉnh đã trình và được kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh thông qua. Điều tôi muốn nhấn mạnh là để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra thì điều quan trọng đặc biệt là mọi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đoàn kết, thống nhất cao. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì việc công, khắc phục căn bệnh "vô cảm" trước những khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân và doanh nghiệp. Phải đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay". Phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Đề nghị HĐND các cấp và nhân dân hợp tác chặt chẽ, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Trước mắt phải tập trung ngay vào những việc đã được xác định trong năm 2013 để nhanh chóng tổ chức thực hiện, nhất là những việc đột xuất, phát sinh ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm 2013. Bên cạnh đó, chúng ta phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho tổ chức và cá nhân trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội để mọi hoạt động được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Như vậy chúng ta mới có thể thúc đẩy các hoạt động đạt kết quả cao nhất.
Phóng viên : Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
Nguyễn Đông (thực hiện)