Đứng chờ cân nốt mấy bao lúa cho Công ty cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình, bà Đào Thị Vinh, thôn 7, xã Khánh Trung (Yên Khánh) vui vẻ cho biết: Nhà tôi cấy 3 sào giống Hoa ưu 109 của Công ty, đạt năng suất khá cao, từ 2,8-2,9 tạ/sào, điều làm tôi vui mừng hơn cả là được Công ty thu mua lúa tươi. Gần 9 tạ thóc không phải phơi phóng, rê quạt, đỡ rất nhiều công sức cho những người làm nông, chúng tôi có điều kiện về thời gian, công sức tập trung cho trồng cây vụ đông…
Cũng như bà Vinh, chị Phạm Thị Mai cho biết: Chưa bao giờ làm nông nghiệp lại nhàn như năm nay. Nhà tôi cấy 1,2 mẫu lúa, trong đó có 7,5 sào cấy giống lúa Hoa ưu 109 của Công ty cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình. Hơn 7 sào lúa Hoa ưu 109, gia đình tôi thu hoạch được trên 2 tấn lúa, hôm nay Công ty thu mua luôn tại đầu làng, không phải lo khâu phơi phóng, làm sạch.
Trao đổi với đồng chí Phạm Xuân Khoát, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, được biết: Vốn là xã có trình độ thâm canh cây trồng tương đối tốt, chúng tôi sẵn sàng phối hợp để thực hiện tốt mối liên kết giữa "4 nhà". Ngay khi được các Công ty giống phối hợp đưa vào thực hiện vùng giống, lãnh đạo xã đã chỉ đạo nông dân, việc chung tay liên kết với doanh nghiệp có rất nhiều lợi thế, không chỉ về khâu giống, cơ giới hóa, chăm sóc, hướng dẫn KHKT…, mà vấn đề rất quan trọng là đã giải quyết được sản phẩm sau thu hoạch.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, điều trăn trở của đội ngũ cán bộ xã và bà con nông dân nơi đây là vấn đề bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Bởi không chỉ là lúa giống, lúa hàng hóa, các sản phẩm vụ đông cũng rất cần được bảo quản. Vào vụ thu hoạch, chỉ cần gặp mưa, bão vài ngày là lúa, đậu tương… đến kỳ thu hoạch không được phơi sấy kịp thời sẽ hỏng hoặc chất lượng giảm đáng kể. Mong muốn của xã là được xây dựng hệ thống lò sấy quy mô vừa, để có thể chủ động sấy lúa giống, tiến tới sấy lúa hàng hóa và các sản phẩm nông nghiệp khác của bà con nông dân trong xã, khi đó, không chỉ nông dân chủ động bảo quản được các sản phẩm do mình làm ra mà còn giảm chi phí cho doanh nghiệp khi thay vì phải thu mua lúa tươi vào đúng thời vụ, được mua lúa khô, lúa sạch mà vẫn đảm bảo chất lượng, yêu cầu đặt ra…
Ông Vũ Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho rằng, việc liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và nhà Nhà nước trong thực hiện bảo quản sản phẩm nông nghiệp là rất cần thiết. Thực tế hiện nay khâu thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa được coi trọng, mặc dù đây là khâu rất quan trọng quyết định đến chất lượng, giá thành sản phẩm.
Đối với Công ty giống, để đảm bảo nguồn giống chất lượng cao, ngoài hướng dẫn bà con nông dân sản xuất nghiêm ngặt theo đúng quy trình KHKT, Công ty thực hiện thu mua lúa tươi và thực hiện sấy khô theo quy trình sản xuất giống lúa nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng giống. Phương pháp này có ưu điểm là lúa có thể được làm khô bất cứ lúc nào và không phụ thuộc và thời tiết nắng hay mưa, độ ẩm của hạt có thể khống chế hợp lý trong thời gian giới hạn, do đó chất lượng lúa giống đảm bảo hơn.
Được biết, vụ mùa năm nay, Công ty đưa vào sản xuất 350 ha giống lúa Hoa ưu 109, tại một số HTX của huyện Nho Quan, Yên Khánh. Công ty dự kiến thu mua từ 1.200-1.500 tấn lúa tươi, tăng cường nguồn lúa giống phục vụ cho nông dân 22 tỉnh, thành phố trong cả nước mà Công ty đang có thị trường. Hiện nay, Công ty chỉ có thể thu mua vài chục tấn /ngày vì công suất lò sấy của Công ty còn nhỏ.
Về lâu dài, Công ty mong muốn các cấp, các ngành có liên quan tạo điều kiện, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống sấy các sản phẩm nông nghiệp ở các đơn vị vệ tinh, phù hợp với điều kiện từng địa phương, không chỉ bảo quản sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân, còn cùng với doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến những vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn…
Hạnh Chi