P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của huyện Yên Khánh qua 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ?
Đồng chí Dương Thị Hồng: Thực hiện Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010 và Kế hoạch hành động của tỉnh, 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các cấp ủy, chính quyền, các ngành trong huyện luôn nỗ lực phấn đấu, tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược, kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được đặt trong kế hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương, tạo mọi điều kiện để nâng cao vị thế và phát huy vai trò của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.
Thời gian qua, phụ nữ trong huyện đã được quan tâm, tạo điều kiện trong công tác dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao KHKT, tạo vốn phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ lao động nữ được dạy nghề của huyện tăng từ 20% (năm 2001) lên 70% (năm 2010). Kết quả khảo sát năm 2010, tỷ lệ nữ thất nghiệp trên địa bàn huyện giảm còn 8%. Số hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ ngày càng giảm.
Phụ nữ trong huyện đã được bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục. Học sinh nữ ở các cấp học đạt tỷ lệ cân bằng về giới. Tỷ lệ phụ nữ dưới 40 tuổi biết chữ đạt 100%. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động và công nhân nữ trong toàn huyện được quan tâm nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, nâng cao kiến thức KHKT, kiến thức pháp luật, kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình… Số cán bộ nữ là cán bộ, công chức được đào tạo trình độ quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học đến năm 2010 là 96,7%, tăng 36,7% so với năm 2005.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho phụ nữ được quan tâm. Hàng năm, toàn huyện có trên 17 nghìn phụ nữ được khám bệnh giới tính; 100% phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế; 100% phụ nữ có thai được khám định kỳ. Mức giảm sinh bình quân hàng năm đạt 0,25%o.
Ngoài thiên chức làm mẹ, chăm lo công việc nội trợ cho gia đình, phụ nữ trong huyện ngày càng có nhận thức sâu sắc về vai trò của nữ giới tham gia công tác xã hội. Cán bộ nữ tham gia làm việc trong các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, nữ tham gia BCH Đảng bộ huyện chiếm 15,15%; nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã chiếm 17,3%. Nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước: cấp huyện là 36,3%; cấp xã đạt 26,7%; 1 đại biểu nữ tham gia HĐND cấp tỉnh. 2 cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức vụ chủ chốt lãnh đạo UBND huyện và Thường trực HĐND huyện; 13 nữ là trưởng, phó các các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện.
P.V: Về những khó khăn trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn huyện?
Đồng chí Dương Thị Hồng: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Đời sống của một bộ phận phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực nông thôn còn khó khăn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ còn bất cập trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới; đội ngũ cán bộ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo ở các cấp, các ngành tuy đã được tăng cường, nhưng tỷ lệ còn thấp; công tác tuyên truyền, phổ biến về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa sâu rộng; mức độ chênh lệch giới tính khi sinh cao, có nơi là 119 nam/100 nữ…
P.V: Để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong giai đoạn tới Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Dương Thị Hồng: "Đảm bảo cơ hội tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng cho phụ nữ và nam giới vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, rút ngắn khoảng cách giới" là mục tiêu chung của công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của huyện trong giai đoạn tới. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu này là: Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, pháp luật, chương trình, chiến lược; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; phát triển các hệ thống dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới được tham gia thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực; đầu tư nguồn nhân lực, đầu tư ngân sách và sử dụng ngân sách có hiệu quả cho hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Minh (Thực hiện)