Ninh Bình có khoảng 22.436 ha mặt nước tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có: 9.956 ha là ruộng trũng, 2.439 ha ao hồ nhỏ, 1.549 ha là mặt nước lớn, 1.205 ha thùng đào, thùng đấu, 7.287 ha vùng nước mặn, lợ. Ngoài ra còn phải kể đến 113 km sông nước chảy cho phép phát triển lồng bè nuôi thủy sản.
Trong những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản Ninh Bình đã có sự phát triển khá nhanh và toàn diện, từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính tự cấp, tự túc đã nhanh chóng trở thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ kỹ thuật được đổi mới, phát triển ở tất cả các lĩnh vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 1992, diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh chỉ đạt 3.410 ha thì đến năm 2011 diện tích đã đạt 11.054 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cũng tăng từ 745 tấn (năm 1992) lên 26.948 tấn (năm 2011), bình quân tăng 185%/năm. Phong trào nuôi thủy sản nước ngọt đã có bước nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,9%/năm, sản lượng hàng năm đạt gần 17.000 tấn. Phong trào nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ phát triển mạnh với tổng diện tích hàng năm đạt trên 2.500 ha, sản lượng trung bình khoảng 10.000 tấn/năm.
Đặc biệt hiện nay, nghề nuôi tôm ở Kim Sơn phát triển khá mạnh, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2011, bà con đã thả nuôi trên diện tích 1.938 ha, sản lượng đạt trên 1.500 tấn. Nhiều doanh nghiệp và các hộ nuôi trồng đã đưa vào nuôi theo hình thức công nghiệp, nuôi thâm canh 3 vụ/năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó nuôi ngao vùng Cồn Nổi phát triển khá mạnh trong vài năm trở lại đây, năm 2006 mới nuôi thử nghiệm 2 ha thì đến năm 2011 đã có 615 ha, sản lượng ngao hàng năm đạt trên 7.000 tấn, giá trị đạt trên 192 tỷ đồng. Cùng với các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều đối tượng mới có giá trị được đưa vào nuôi thâm canh, nước ngọt có tôm càng xanh, cá chép lai, cá chim trắng, cá rô đầu vuông, cá diêu hồng, cá trắm đen, cá quả.... Vùng nước lợ có cá vược, cá bống bớp, cá mú, tôm thẻ chân trắng....
Mặc dù đã có bước phát triển khá mạnh, song nghề nuôi trồng thủy sản ở Ninh Bình còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững. Toàn tỉnh hiện có khoảng trên dưới 20 trại sản xuất giống thủy sản, hầu hết là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hàng năm chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn.
Cùng với khó khăn về nguồn giống thì việc quy hoạch vùng nuôi đối với các đối tượng nuôi còn hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát, mạnh ai người đó nuôi đã ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi. Đây là hai nguyên nhân căn bản khiến việc kiểm soát về tình hình dịch bệnh trong nghề nuôi gặp nhiều khó khăn.
Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, các chỉ tiêu về tăng trưởng ngành kinh tế thủy sản đến năm 2015 là: Diện tích đạt 10.290 ha, sản lượng 24.310 tấn; trong đó diện tích nuôi vùng mặn lợ là 3.750 ha, sản lượng đạt 25.300 tấn; duy trì ổn định hoạt động của 540 thuyền máy khai thác thủy sản, sản lượng thủy sản khai thác phấn đấu đạt 6.300 tấn.
Đồng chí Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Kế hoạch 5 năm phát triển ngành Thủy sản Ninh Bình (2011-2015) được xây dựng dựa trên Chiến lược phát triển thủy sản của cả nước, phù hợp với định hướng phát triển KT- XH và quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan. Theo đó ngành Thủy sản sẽ phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho ngư dân.
Để đạt được mục tiêu tổng thể trên, ngành Thủy sản sẽ tập trung vào các giải pháp như: Rà soát, đẩy mạnh thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi tôm. Đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành Thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm giống thủy sản nước ngọt, nước mặn, lợ ở huyện Yên Khánh, Kim Sơn và các vùng quy hoạch sản xuất lúa-cá. Phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng CNH- HĐH, có hiệu quả, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản để tăng năng lực cạnh tranh; bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn liền với xây dựng các khu bảo tồn biển và bảo tồn nội địa, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và đa dạng sinh học.
Hà Phương