Trong đó có những nghị quyết tác động lớn đến đội ngũ cán bộ cơ sở như: Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp; Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố...
Với những chính sách cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, việc ban hành các Nghị quyết này được xem là động lực quan trọng giúp cán bộ cơ sở yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Trong những năm gần đây, thực hiện các quy định của Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã tập trung bố trí việc kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn. Đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn.
Tiêu biểu như năm 2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 41 về việc "Quy định số lượng, mức phụ cấp kiêm nhiệm và trợ cấp nghỉ việc một lần do bố trí, sắp xếp tinh giản đối với người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình"; Thông báo số 911 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế...
Theo đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn đã từng bước được tinh giản. Hiện tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh là 1.659 người và tổng số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, các chức danh khác ở thôn, tổ dân phố là 11.086 người, giảm 5.407 người so với năm 2018.
Theo đánh giá của tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở đã có bước trưởng thành. Đa số cán bộ cơ sở đã nỗ lực khắc phục khó khăn, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Phú (Yên Khánh) cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về tinh giản tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, trong đó có Thông báo 911 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xã Khánh Phú đã thực hiện tinh giản 20 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn (hiện đang bố trí tổng 59 người).
Với khối lượng công việc và trách nhiệm không hề nhỏ, mức phụ cấp còn thấp, song bằng tinh thần trách nhiệm, thời gian qua nhiều cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn đã tích cực tham mưu, trực tiếp tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 41 của Hội đồng nhân dân tỉnh, hiện ở mỗi đơn vị xã, phường, thị trấn đang bố trí tối đa 13 người, đảm nhiệm từ 18 - 20 chức danh và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tỉnh đang bố trí 10 chức danh.
Mặc dù đã thực hiện sắp xếp, bố trí, song số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn vẫn còn lớn. Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở tuy đã được cải thiện song còn bất cập nên chưa thật sự khuyến khích họ nhiệt tình tham gia công tác, phấn đấu cũng như chưa thu hút được những người có chuyên môn, trình độ tham gia đảm nhiệm công việc bán chuyên trách ở cấp xã, thôn.
Hơn nữa, theo Nghị định số 34 của Chính phủ về "Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố" thì số lượng, quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn như ở tỉnh ta hiện nay không còn phù hợp.
Nhằm khắc phục những bất cập trên, tại Kỳ họp thứ 21- HĐND tỉnh khóa XIV, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh đề án và tờ trình về việc ban hành Nghị quyết "Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình". Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, thông qua.
Theo đó, Nghị quyết quy định rõ chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (gồm 11 chức danh), ở cấp thôn (3 chức danh), chức danh người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố (5 chức danh) và số lượng người hoạt động không chuyên trách cũng được bố trí theo loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
Nghị quyết cũng không quy định 2 chức danh: Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ là chức danh không chuyên trách cấp xã mà chuyển sang thực hiện quy định với Chủ tịch Hội đặc thù trong phạm vi xã, phường, thị trấn.
Theo tính toán, sau khi thực hiện Nghị quyết, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ giảm 273 người; số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và người hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc ở thôn, tổ dân phố bố trí tối đa 10.074 người, giảm khoảng 1.000 người.
Việc tinh giản này sẽ góp phần giảm kinh phí chi cho người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh khoảng 33 tỷ đồng/năm. Mức phụ cấp đối với một số chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn sẽ tăng trung bình 1,2-1,4 lần với mức hiện hưởng; thậm chí có chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn sẽ tăng gấp 1,7 lần so với mức hiện hưởng (chức danh bí thư chi bộ ở thôn thuộc các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo).
Việc quy định mức phụ cấp này dựa trên cơ sở nghiên cứu đánh giá khối lượng công việc của từng chức danh và tiếp thu kiến nghị của các địa phương. Mức phụ cấp được cải thiện tăng cao sẽ là nguồn lực quan trọng giúp đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn phấn khởi và yên tâm gắn bó, cống hiến cho công việc.
Cũng tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết "Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do bố trí, sắp xếp theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã; chính sách hỗ trợ đối với trưởng công an, phó trưởng công an, công an viên thường trực dôi dư do bố trí công an chính quy về xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".
Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện tổng số cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do bố trí, sắp xếp theo Nghị định số 34/2014/NĐ -CP; do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã; dôi dư do bố trí công an chính quy về xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 850 người (trong đó: Cán bộ 16 người, công chức 308 người, người hoạt động không chuyên trách 526 người).
Nhằm kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định của Nhà nước và tình hình thực tế ở địa phương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết, trong đó có quy định đối tượng và mức hỗ trợ cụ thể. Theo dự kiến, ngân sách tỉnh sẽ dành khoảng 19 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng trên.
Đồng chí Vũ Hồng Quyết, Trưởng phòng Nội vụ huyện Kim Sơn cho rằng việc ban hành các Nghị quyết trên là phù hợp, đúng quy định, đáp ứng mong muốn của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Điều này cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của HĐND tỉnh trong việc kịp thời điều chỉnh, bổ sung những chính sách không còn phù hợp với thực tiễn.
Tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn sẽ tiếp tục có nhiều hơn nữa sự tâm huyết, thực sự là "cánh tay nối dài" của Đảng, của chính quyền, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Mai Lan