Kết nối những tấm lòng
Vào một ngày giá rét, khi nhiệt độ chỉ nhỉnh hơn 10 độ C, đoàn thiện nguyện từ thành phố Hồ Chí Minh đã về với bà con xã Gia Phương (Gia Viễn) mang theo tình cảm ấm áp từ phương Nam xa xôi. Đó cũng là thời điểm mà trận mưa lũ lịch sử vừa ập xuống mảnh đất này cách đây ít ngày, cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn còn đang tất bật khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống. Gặp gỡ đoàn thiện nguyện, lãnh đạo địa phương bùi ngùi: Gia Phương vốn là một xã miền núi của huyện Gia Viễn, ít người biết tới, vậy mà cách đây hơn nghìn cây số vẫn có những tấm lòng hảo tâm không quản ngại xa xôi về sẻ chia khó khăn với bà con… Trong buổi gặp gỡ ấy, 200 phần quà là những bao gạo, thùng mỳ, chai dầu ăn, bánh kẹo và một chút tiền mặt đã được trao tận tay các gia đình chính sách, hộ nghèo. Chẳng phân biệt "người cho, người nhận", mọi người trao nhau ánh mắt, nụ cười ấm áp. Đại diện đoàn thiện nguyện chia sẻ: Lần đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây làm công tác từ thiện, cả đoàn lo lắng nhiều lắm, nhưng qua kết nối với Văn phòng Tỉnh ủy, được đón tiếp chu đáo, tận tình và giúp đỡ tìm kiếm đúng hoàn cảnh để trao, tôi thấy chuyến đi càng thêm ý nghĩa. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục dành thời gian để về Ninh Bình chia sẻ cùng bà con nhiều hơn nữa.
Được biết, Gia Phương là xã đặc thù theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được Văn phòng Tỉnh ủy phụ trách giúp đỡ. Thời gian vừa qua cùng với các hoạt động thiết thực để giúp đỡ địa phương, Văn phòng Tỉnh ủy cũng đã vận động được nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ cho nhân dân trong xã, đồng thời phối hợp tổ chức nhiều chương trình từ thiện, góp phần chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của bà con.
Năm vừa qua, cũng như Văn phòng Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị phụ trách giúp đỡ các xã đặc thù đã được nhiều nhà hảo tâm "chọn mặt gửi vàng" mang đến hàng trăm suất quà cho các gia đình chính sách, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn… Mỗi một phần quà được các nhà hảo tâm gửi gắm đều được trao đúng người, tìm đúng hoàn cảnh với cách làm chu đáo, cẩn trọng. Sau mỗi đợt trao quà đều có báo cáo rõ ràng bằng thông tin, hình ảnh đi kèm. Đồng thời, các chương trình quyên góp được vận dụng phù hợp với tính chất hoạt động, lĩnh vực hoạt động của các nhà hảo tâm… Cũng nhờ đó, niềm tin được tạo dựng nên họ luôn sẵn sàng giúp sức, thậm chí còn giới thiệu nhiều nhà hảo tâm khác cùng ủng hộ. Chính những hành động tưởng như nhỏ bé, nhưng xuất phát từ tấm lòng nhân ái và tinh thần không quản ngại khó khăn, vất vả, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã và đang trở thành những cầu nối nhân ái tin cậy cho các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc về với Ninh Bình.
Sức vươn nông thôn mới
Với quyết tâm mới và cách làm mới, Quyết định 140 được triển khai với mục tiêu quan trọng là giúp các xã đặc thù vươn lên phát triển ngang bằng với các xã mạnh khác trong huyện, trong tỉnh. Mục tiêu này đang dần hiện hữu bằng diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc ở các địa phương.
Không còn mang cái tiếng là một xã nghèo miền núi của thành phố Tam Điệp, nay Đông Sơn đã vươn mình trở thành xã nông thôn mới. Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, trong thành quả ấy ghi dấu những cách làm sáng tạo, hiệu quả của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khi tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương. Xác định phải nỗ lực cao cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân mới mong xây dựng được nông thôn mới, 2 đơn vị này đã chủ động làm đầu mối để tổ chức cho đoàn cán bộ chủ chốt xã đi nghiên cứu, học tập mô hình phát triển kinh tế và mô hình xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Khánh. Ngay sau đó, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký hợp đồng với xã xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu của Công ty, hỗ trợ giống để nhân dân trồng thí điểm ngô ngọt với diện tích 2 ha. Công ty cũng đã tuyển dụng công nhân là người địa phương vào làm việc dài hạn và thời vụ. Đồng thời tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí giúp xã thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới… Sự đồng lòng, giúp sức đó đã góp phần đưa Đông Sơn về đích nông thôn mới sớm 3 năm so với lộ trình.
Cũng là một địa phương tăng tốc mạnh mẽ để về đích nông thôn mới trong năm 2017, ít ai biết rằng xã Khánh Thịnh (Yên Mô) cũng nằm trong danh sách các xã đặc thù vì là địa phương thuần nông, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, hạ tầng chưa được quy hoạch và xây dựng đồng bộ… Vậy mà nay địa phương đã huy động được hơn 200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; nhà văn hóa thôn, xóm; các trường học và các công trình phục vụ dân sinh khác. Cùng với đó, hơn 30km đường giao thông nông thôn của xã cũng đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa; các trường học đều đạt chuẩn Quốc gia; 10/10 thôn, xóm được công nhận danh hiệu làng văn hóa; người dân tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư mở rộng phát triển kinh tế, hình thành nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao...
Từ một địa phương không chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà ngay cả trong công tác xây dựng Đảng cũng còn có những mặt hạn chế, xã Khánh Hồng (Yên Khánh) đang ngày càng vững mạnh với sự đổi thay cả về "lượng" và "chất". Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước đây việc xây dựng nội dung, chương trình, trình tự tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ có nơi còn lúng túng; Ban Chi ủy cũng chưa phát huy hết khả năng tư duy, đóng góp ý kiến của đảng viên để xây dựng nghị quyết… Nhưng từ khi có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của Ban Tổ chức Tỉnh ủy dự sinh hoạt, công tác chuẩn bị nội dung chương trình của các chi bộ đã đảm bảo chặt chẽ, bài bản hơn, không khí sinh hoạt chi bộ có sự cởi mở hơn, các đảng viên cũng tích cực phát biểu ý kiến xây dựng Nghị quyết chi bộ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề.
Với phương châm "cầm tay chỉ việc", Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phân công cán bộ, chuyên viên về dự sinh hoạt chi bộ xóm, chi bộ cơ quan xã và tham dự hội nghị Đảng ủy xã. Việc làm này đã góp phần bổ khuyết kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nghiệp vụ công tác đảng. Cũng thông qua việc dự sinh hoạt đã giúp Ban Tổ chức Tỉnh ủy nắm rõ tình hình triển khai thực tế ở địa phương để trên cơ sở đó phối hợp với doanh nghiệp kết nghĩa và các đơn vị có liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc của xã, giúp Khánh Hồng đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới.
Với sự động viên về tinh thần, sự hỗ trợ về vật chất, Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho người dân ở các xã nghèo, xã khó khăn, để họ có được những cái Tết thực sự ấm no hơn, đủ đầy hơn.
Đào Duy