Tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng luôn là vấn đề "nóng" mà người dân, đặc biệt là doanh nghiệp quan tâm, do vậy Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, UBND tỉnh đến từng ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng.
Để triển khai chủ trương này, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn áp dụng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất ưu tiên, phổ biến ở mức 6,5-7,5%/năm.
Các ngân hàng đã thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động, do vậy lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 8-9%/năm, thấp nhất là 5%/năm, cao nhất là 13,6%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 9-10%/năm.
Với những giải pháp đồng bộ từ Ngân hàng Nhà nước, sự chỉ đạo, định hướng kịp thời của UBND tỉnh, 9 tháng năm 2018, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn ước đạt 72.200 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, Ngân hàng CSXH, quỹ TDND ước đạt 67.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm với lãi suất dưới 7% chiếm 12,7%; lãi suất từ 7 đến dưới 9% chiếm 25,1%; lãi suất từ 9-11% chiếm 50,6%; lãi suất trên 11% chiếm 11,6%.
Ngoài ra, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế của tỉnh phát triển, tập trung một số lĩnh vực trọng tâm của tỉnh như: cho vay xuất khẩu đến hết tháng 9 ước đạt 872 tỷ đồng, tăng 97,3% so với đầu năm; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.820 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 290 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay một số dự án kinh tế lớn của tỉnh (Công ty xi măng Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy Xi măng Hệ Dưỡng) ước đạt 1.917 tỷ đồng, giảm 19,2% so với đầu năm, chiếm 2,9%/tổng dư nợ của các Chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, quỹ TDND; dư nợ cho vay phát triển du lịch ước đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm, chiếm 1,9%/ tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, ngân hàng CSXH, quỹ TDND.
Như vậy, qua con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng, hầu hết các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của tỉnh đều có mức dư nợ cao hơn so với đầu năm. Điều này không chỉ cho thấy các ngành kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi và phát triển mà còn thể hiện sự hiệu quả trong công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương đối với lĩnh vực tiền tệ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Song song với các giải pháp tăng trưởng tín dụng, để "đồng hành cùng doanh nghiệp", các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TCTD cấp trên; xem xét ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các quỹ TDND thực thi Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. 9 tháng đầu năm, tổng nợ được cơ cấu lại của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn là 570 tỷ đồng. Tổng nợ được xử lý rủi ro là 890 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, để phát triển kinh tế thì những chính sách ưu đãi về tín dụng của ngành Ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp là rất cần thiết, nhất là việc tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp nhưng phần nhiều các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế, hệ thống sổ sách, chứng từ chưa đảm bảo đúng theo yêu cầu của hệ thống ngân hàng dẫn đến thông tin cung cấp đối với ngân hàng chưa tin cậy, gây khó khăn cho công tác thẩm định trong quá trình cho vay. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Khôi, các doanh nghiệp trong tỉnh cần phải nâng cao hơn nữa năng lực quản trị điều hành, tìm các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và minh bạch hóa báo cáo tài chính.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng sẽ chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động tín dụng, ngân hàng; tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chủ động tiếp cận doanh nghiệp, công khai các quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất...
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Nghiên cứu, đề xuất với TCTD cấp trên bố trí nguồn vốn cho các chương trình chính sách đầu tư ưu tiên phát triển của địa phương. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Triển khai đầy đủ, kịp thời các gói tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và TCTD cấp trên.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay và hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
Nguyễn Thơm