Kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng vào quá trình triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần đổi mới hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.
Thực tế những năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trong tỉnh luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát thông qua việc tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND cấp xã bầu và một số chức danh công chức cấp xã; củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn…
Trong hoạt động phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổng hợp hàng nghìn ý kiến của nhân dân tham gia đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt, MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, Thường trực HĐND các cấp thường xuyên đổi mới hình thức tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa các đại biểu dân cử với cử tri như: Tổ chức tiếp xúc luân phiên địa bàn, phân ra nhiều cụm để tiếp xúc trực tiếp với cử tri ở thôn, xóm, tăng cường đối thoại và mời lãnh đạo các ngành có liên quan trực tiếp tới vấn đề mà nhân dân đang quan tâm đối thoại, giải trình.
Trong 10 năm qua, MTTQ đã phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri ở hơn 800 điểm khu dân cư, có hơn 100 nghìn lượt cử tri tham dự với hàng nghìn ý kiến. Sau đó tổng hợp
kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể các cấp vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân.
Có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản từ việc các văn bản luật pháp của Nhà nước chưa có các cơ chế đảm bảo các điều kiện cho hoạt động giám sát, phản biện, hiệu lực pháp lý những kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội sau giám sát chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, kiến nghị của cử tri có nơi, có lúc chưa kịp thời… Để tạo điều kiện cho MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện rất cần sự quan tâm vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng và cơ quan chức năng Nhà nước. Cụ thể, cần sớm đánh giá đúng thực trạng để bổ sung hoàn chỉnh các quy định pháp luật để MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong thực tế. Đồng thời phải chú trọng đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của MTTQ trong tình hình mới. Có chế tài ràng buộc giữa tổ chức thực hiện phản biện xã hội và cơ quan, tổ chức được phản biện.
Về phía MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội phải tự đổi mới từ nhận thức đến tổ chức bộ máy cán bộ. Đội ngũ cán bộ mặt trận được chọn làm công tác giám sát và phản biện xã hội cần có trình độ hiểu biết về kiến thức pháp luật và khả năng nắm bắt dư luận, phân biệt đúng sai để định hướng dư luận...
Duy Hiền