PV: Hiện nay, công tác quản lý và khai thác, sử dụng nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tử Phúc: Theo báo cáo của Ban điều hành Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 105 công trình cấp nước tập trung và có 7 công trình đang xây dựng dở dang, 6 công trình chuẩn bị đầu tư và hàng nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khơi, giếng khoan Unicef, bể nước mưa…).
Trước đây, các công trình nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh có 5 mô hình quản lý, bao gồm UBND xã, doanh nghiệp, HTX, tư nhân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện Quyết định số 1085/QĐ-UBND ngày 19-12-2014 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án tổng thể việc quản lý, khai thác và sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung theo Thông tư 54/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì có 3 mô hình quản lý chính.
Theo đó, UBND tỉnh giao 32 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được xây dựng bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới cho Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình; 25 công trình cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình quản lý, khai thác và sử dụng; còn 51 công trình giao cho xã quản lý và thực hiện xã hội hóa.
Với sự nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh, đặc biệt là các đơn vị quản lý, khai thác, việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn tỉnh từ các trạm cung cấp nước sạch tập trung ở nhiều địa phương đã có hiệu quả, góp phần phục vụ đời sống, sinh hoạt cho nhân dân.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 53% dân số được dùng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung.
PV: Xin ông cho biết, căn cứ vào đâu để Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đề nghị UBND tỉnh tăng giá nước sạch nông thôn?
Ông Nguyễn Tử Phúc: Hiện nay, mức giá nước sạch nông thôn được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện tại Quyết định 504/QĐ-UBND ngày 1-8-2011 đã không còn phù hợp do cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với việc xác định giá nước sạch nông thôn đã có sự thay đổi.
Các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung cấp nước sạch đã biến động rất nhiều về giá, như điện sản xuất đã tăng 33% so với thời điểm năm 2011; lương đã tăng 54%; các khoản chi phí về bảo hiểm, kinh phí công đoàn tăng 13%...
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2012 đến nay, các xã đã tổ chức xây dựng đường giao thông nông thôn mới, các trục đường liên xã, liên huyện, đường cứu hộ, đường quốc lộ cũng được xây dựng nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống đường ống cấp nước sạch, gây thất thoát và tỷ lệ hao hụt nước thực tế còn khá cao (32,2%).
Mặc dù Công ty đã triển khai nhiều biện pháp để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh như: Khoán thất thoát, tăng cường công tác quản lý, thực hành tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào như điện, hóa chất... nhưng giá bán nước sạch thấp nên thu không đủ bù chi.
Những năm qua, Công ty đã không trích được khấu hao trả nợ vay Ngân hàng Thế giới và tái sản xuất.
Để bù đắp được chi phí sản xuất, đáp ứng nhu cầu duy tu, bảo dưỡng và đảm bảo khả năng phục vụ nước sạch ngày càng tốt hơn cho bộ phận dân cư nông thôn, Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã xây dựng phương án và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt giá nước sạch mới.
Theo cách tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí cấu thành giá thì 1 m3 nước sạch của Công ty có giá bình quân là 18.700 đồng. Tuy nhiên mức giá 18.700 đồng/m3 là quá cao, người dân nông thôn khó mà chấp nhận được.
Do đó, để đảm bảo vừa sản xuất, kinh doanh, vừa mang tính chất phục vụ nhân dân vùng nông thôn, khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, UBND tỉnh đã có Quyết định về giá nước sạch thấp hơn phương án giá thành nước sạch đã được tính đúng, tính đủ theo quy định.
Theo đó, giá nước sạch nông thôn không tính bậc thang như trước và chỉ có một giá, cụ thể: Sinh hoạt dân cư là 6.600 đồng/m3; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là 8.800 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất là 11.000 đồng/m3; kinh doanh dịch vụ là 14.600 đồng/m3.
Như vậy, mức giá mới vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá tính đúng, tính đủ và thực chất người dân đã được hưởng lợi rất nhiều vì được tỉnh hỗ trợ về giá.
PV: Triển khai quyết định tăng giá nước sạch nông thôn, Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh có những giải pháp cụ thể gì để người dân hiểu được những lợi ích mà họ đã nhận được khi sử dụng nước sạch?
Ông Nguyễn Tử Phúc: Để thực hiện Quyết định tăng giá nước sạch nông thôn của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức họp cổ đông ở tất cả 38 xã (thuộc 6 huyện) trong tỉnh đang có trạm cấp nước được xây dựng từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới để triển khai kế hoạch thực hiện và bàn biện pháp tuyên truyền tới các hộ dân.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, lồng ghép với các chương trình để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và bảo vệ nguồn nước đầu vào, bảo vệ các công trình, đường ống dẫn nước.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào Quyết định của UBND tỉnh, các căn cứ, cơ sở để tăng giá nước để người dân thấy được mình đã được hưởng lợi, được hỗ trợ về giá như thế nào, từ đó phối hợp với Công ty triển khai tốt chương trình này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Giang (thực hiện)