Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, người sản xuất đã bắt đầu làm theo định hướng và nhu cầu thị trường, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có hàng trăm chương trình, mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao đã và đang triển khai thực hiện, đến nay đạt kết quả khá tốt.
Tuy nhiên, cùng với đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là nỗi lo về vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân. Hiện nay, việc tiêu thụ những sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh còn khá manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào tư thương.
Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã giao Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa nông sản theo hợp đồng, tạo sự ổn định và bền vững.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hàng năm, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ các địa phương, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ sản xuất tìm kiếm cơ hội tiêu thụ hàng hóa thông qua việc tham gia các hội chợ trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị, địa phương giới thiệu các các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm an toàn cho chuỗi các cửa hàng bán nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, khảo sát, tìm hiểu và làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo mối liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: Trung tâm đã làm việc với Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Kiên Giang tạo liên kết sản xuất khoai tây và ớt tại xã Khánh Hồng, Khánh Vân (huyện Yên Khánh) với quy mô 6 ha; liên kết sản xuất lúa chất lượng cao quy mô trên 35 ha với HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc), HTX Liên Dương (xã Khánh Dương).
Toàn bộ diện tích được ký kết, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Kiên Giang có trách nhiệm đối ứng giống và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm của bà con nông dân. Hay Trung tâm tạo mối liên kết với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam thu mua 20 tấn bí xanh tại xã Khánh Hải và 30 tấn rau, củ, quả các loại tại xã Khánh Hồng, Khánh Cư, huyện Yên Khánh.
Có thể khẳng định, các hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh trên thị trường, giúp các HTX nông nghiệp, các hộ sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, tích cực mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Chu Văn Bạo ở xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh là hộ sản xuất rau an toàn đã tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Trên diện tích gần 2 mẫu, ông Bạo ứng dụng công nghệ cao để luân canh từ 4-5 vụ/năm các loại rau màu và dưa chuột, dưa Kim hoàng hậu, mướp đắng….Mỗi năm thu gần 80 tấn rau, củ, quả các loại.
Ông Bạo cho biết: Trước đây, toàn bộ sản phẩm làm ra ông đều bán cho thương lái hoặc tại các chợ. Sản phẩm an toàn của gia đình ông được đánh đồng cùng các sản phẩm khác trên thị trường, không có sự chênh lệch về giá. Và điều dĩ nhiên, gia đình ông cũng không tránh khỏi tình trạng "được mùa mất giá", thu nhập bấp bênh.
Nhưng hai năm gần đây, được Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp tạo điều kiện tham gia các buổi tọa đàm, chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, gia đình ông đã ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với một số doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Nhờ giá cả ổn định, toàn bộ sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ nên gia đình ông yên tâm mở rộng sản xuất.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Đông Mai cho biết: HTX Đông Mai (xã Khánh Hải, Yên Khánh) có truyền thống sản xuất rau hàng hóa. HTX đang sản xuất 150 ha cây trồng hàng hóa, trong đó bí xanh 50-70 ha, khoai tây 30 ha, còn lại là các loại rau màu. Mỗi năm, thành viên HTX cung ứng ra thị trường hàng nghìn tấn nông sản. Nhờ sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp tỉnh, một số sản phẩm của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGap, bước đầu tạo thương hiệu riêng.
Bên cạnh đó, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại giới thiệu các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên thành viên HTX rất yên tâm trong quá trình ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn, rau sạch.
Hiện nay, HTX là đầu mối ký kết các hợp đồng liên kết và tiêu thụ cho nông dân và mọi kế hoạch sản xuất đều dựa trên cơ sở các đơn đặt hàng. HTX đã ký kết với Công ty Việt Xanh tiêu thụ một số mặt hàng xuất khẩu như: ớt, rau, củ; liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Kiên Giang sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây; cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh....
Theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghiệp cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp, để tiếp tục hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục duy trì chuỗi gian hàng nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, an toàn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tổ chức cho các đồng chí Giám đốc HTX, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tham dự hội nghị kết nối giao thương tại Trung tâm Phân phối nông nghiệp an toàn (tại Hà Nội). Tại đó sẽ có sự trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển sản xuất nông sản an toàn và giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội.
Qua đó giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm cũng tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập trang Website chuyên đề về giá cả thị trường nông sản, xuất bản bản tin Nông nghiệp, nông thôn để tạo thuận tiện cho công tác điều hành của lãnh đạo Sở và dự báo giá cả nông sản theo tháng hoặc theo mùa để người dân, doanh nghiệp chủ động sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bài, ảnh: Giáng Hương