Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 60 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu trực tiếp hàng hóa. Hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu sang trên 50 nước thuộc 5 châu lục trên thế giới bao gồm: châu á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại dương, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc, giầy dép, thịt lợn đông lạnh, rau quả, đồ hộp xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ, xi măng, clanke.
Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phát triển khá nhanh chóng, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Tỉnh đã ban hành các đề án xuất khẩu, kế hoạch thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa, trong đó tập trung vào các giải pháp: đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; ưu tiên về mặt bằng sản xuất, lãi suất tín dụng; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp… Vì vậy, số lượng doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng, thị trường ngày càng mở rộng. Giai đoạn 2006-2011, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 59,8%/năm, riêng năm 2012 xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 450 triệu USD, tăng 66,4% so với năm 2011. Ninh Bình là một trong những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân cao hơn so bình quân chung của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh vẫn phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển hình thức kinh doanh do khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế, cùng những khó khăn về chi phí đầu vào, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, nhất là hàng tồn kho tăng cao. Trước thực tế này, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ gặp nhiều vướng mắc, tình hình tiêu thụ kém dẫn đến ngưng trệ sản xuất. Để giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm những bạn hàng mới, nhanh chóng đi vào quỹ đạo ổn định và góp phần vào phục hồi, ổn định nền kinh tế của tỉnh, Ninh Bình tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, dành sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tìm đầu ra cho một số ngành hàng, dịch vụ có tiềm năng trở thành sản phẩm mũi nhọn cho nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Để đáp ứng yêu cầu đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Bình năm 2013 gồm 26 hoạt động với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 2.000 triệu đồng. Trong đó sẽ tập trung nhiều hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài như: Tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài bao gồm: CHLB Nga; Collonge - Đức; Tổ chức đoàn khảo sát tìm kiếm thị trường xuất khẩu tại thị trường Hồng Kông, Tokyo Nhật Bản, Frankfurt - Đức…
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Hàng may mặc, giày dép; hàng nông sản thực phẩm chế biến (nước dứa cô đặc, hoa quả đóng hộp…); nhóm hàng thủ công mỹ nghệ như: thêu ren, hàng cói, bèo, bẹ chuối là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương... Các mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình rất mong các vị Đại sứ và Tham tán thương mại của Việt Nam ở các nước cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài, các cơ hội giao thương cho các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh thông qua đầu mối Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Ninh Bình để các doanh nghiệp nắm được thông tin về thị trường nước ngoài, từ đó đưa ra các định hướng xuất khẩu phù hợp. Tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp khi các đơn vị tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và của Bộ Công thương. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của nước ngoài cho công tác xúc tiến thương mại; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong xúc tiến thương mại. Cụ thể, ngành Công thương đã tăng cường kiểm soát trong các hoạt động khuyến mại, hội chợ trên địa bàn để chấn chỉnh các hoạt động chưa tuân thủ các quy định. Đây cũng là cách giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn về hàng tồn, đồng thời giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với hàng Việt có giá trị thực, chất lượng tốt. Đối với thị trường ngoài nước, hiện các doanh nghiệp của tỉnh đang tập trung vào những thị trường có thể tiêu thụ được hàng hóa nhanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn về hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh sản xuất ngưng trệ, hàng hóa tồn đọng, thị trường đang co lại thì giải pháp có tính lâu dài, bền vững là nhận thức rõ vai trò quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại như là cơ hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng để khơi thông sản xuất, giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay. Chủ động tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển thị trường. Đầu tư tài chính cho hoạt động maketting sản phẩm, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Bảo Yến