Mặc dù là đơn vị mới thành lập, còn nhiều khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất nhưng hơn 1 năm qua, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ cho hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội. Nhờ đó, các sản phẩm chất lượng của Ninh Bình được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Các hoạt động giao dịch thương mại của doanh nghiệp được thuận lợi hơn nhiều so với trước đây; từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Kỷ, chủ trang trại tại xã Phú Long, Nho Quan cho biết: Phú Long có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế trang trại. Thế nhưng khó khăn nhất của trang trại là đầu ra cho sản phẩm. Qua Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp tỉnh, sản phẩm bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ của trang trại đã được lên sàn giao dịch. Từ khi lên sàn giao dịch, sản phẩm của ông được nhiều người tiêu dùng biết đến và đã có mặt tại một số siêu thị ở Hà Nội.
Hiện trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Kỷ có 1.000 cây hồng không hạt đã cho thu hoạch vào năm thứ 5 và cho kết quả 50 triệu đồng/năm; 500 cây bưởi Diễn, đã vào vụ thu hoạch thứ 7, kết quả thu hoạch từ cây bưởi Diễn của năm 2015 là 250 triệu đồng; 2 ha thanh long ruột đỏ với 2.200 trụ cây, đã được thu hoạch, năm đầu bình quân đạt 0,5kg/trụ, sản lượng bình quân 10 tấn/năm, giá bán 25.000 đồng/kg, tổng thu 250 triệu đồng/năm. Hiện ông Kỷ đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên 5 ha, tổng số 5.500 trụ và sẽ cho thu hoạch vào năm tới. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm từ khi lên sàn giao dịch đã không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đòi hỏi phải có một quy trình sản xuất sạch, an toàn. Do đó, ông Nguyễn Văn Kỷ đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để trang trại được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP và từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của trang trại. Sắp tới ông cũng sẽ giới thiệu sản phẩm thịt lợn rừng trên sàn giao dịch. Đây sẽ là thế mạnh mà trang trại ông đang hướng tới.
Với sự nỗ lực của Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp tỉnh, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác của tỉnh như mắm tép Gia Viễn, rượu Kim Sơn, nấm, bưởi, vịt trời… được hỗ trợ kinh phí, thủ tục đưa lên sàn giao dịch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ 7 đơn vị với hàng chục sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn của tỉnh lên sàn giao dịch. Việc xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp đã giúp cho người nông dân giải quyết được khó khăn lớn nhất trong sản xuất đó là đầu ra cho sản phẩm. Nông sản của Ninh Bình qua đó đã khẳng định được uy tín với nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, với việc mở 2 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và của cả nước tại thành phố Ninh Bình và Khu du lịch sinh thái Tràng An, đã góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn như gạo Tràng An, cơm cháy, mắm tép, miến dong… tới đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế. Hoạt động này cũng đã tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.
Anh Lê Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp tỉnh cho biết: Để tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản chất lượng đặc trưng, tăng cường sự liên kết giữa nhà quản lý, người nông dân và các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người nông dân n
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm