Theo đó, ngày 24/10/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo hàng năm của tỉnh từ 1,5% đến 2% và ngày 14/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020 với nội dung hàng năm ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 5.000 triệu đồng/năm, ngân sách huyện, thành phố bố trí tối thiểu 500 triệu đồng/năm ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án Xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động trong tỉnh với tổng kinh phí tỉnh cấp thực hiện Đề án trong vòng 3 năm (2018 - 2020) là 45.324 triệu đồng.
Thực hiện kế hoạch đó, hàng năm UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để triển khai cho vay theo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố. Tính đến 31/3/2019, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của tỉnh và các huyện, thành phố ủy thác sang Ngân hàng CSXH đạt trên 77,2 tỷ đồng, chiếm 3,43% tổng nguồn vốn tại Ngân hàng CSXH tỉnh, tăng gần 67 tỷ đồng so với năm 2012.
Trong đó, nguồn vốn tăng do trích từ ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố chuyển sang gần 65 tỷ đồng, tăng do bổ sung từ tiền lãi cho vay bằng nguồn vốn địa phương ủy thác gần 2 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương, Ngân hàng CSXH đã tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay phát huy hiệu quả. Doanh số cho vay vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng CSXH giai đoạn 2013-2018 đạt trên 93 tỷ đồng, với 2.218 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ giai đoạn 2013-2018 đạt trên 32 tỷ đồng. Tổng dư nợ vốn địa phương tại Ngân hàng CSXH đến 31/3/2019 đạt trên 73 tỷ đồng, với 1.722 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng đảm bảo, nợ quá hạn chiếm 0,31% tổng dư nợ.
Nhờ nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH, trong giai đoạn 2013 - 2018, trên địa bàn tỉnh đã có gần 2,3 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Việc triển khai Đề án số 12 của UBND tỉnh về xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đã giúp cho nhiều lao động có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Đặc biệt, trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế nhưng hàng năm UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm thiểu bất ổn xã hội, tạo niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Mặt khác, việc thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội, được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật....
Theo ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án của tỉnh về công tác giảm nghèo, trong đó có chú trọng đến bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Bên cạnh đó, Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố được ban hành rõ ràng, thuận lợi cho việc áp dụng và tổ chức thực hiện, đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có vốn để tự lực vươn lên phát triển kinh tế, có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng CSXH đẩy mạnh công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trong đó, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố bố trí tăng thêm nguồn vốn tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh sửa đổi cơ chế cho vay và thủ tục vay vốn xuất khẩu lao động chưa hợp lý được quy định tại Đề án số 12/ĐA-UBND ngày 20/6/2017 của UBND tỉnh về xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài được tiếp cận với nguồn vốn của Đề án, góp phần nâng cao hiệu quả của Đề án.
Hương Giang