Qua khảo sát cho thấy, các nghề đào tạo đã bám sát được nhu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm, chú trọng hơn đến công tác tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học.
Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Công tác dạy nghề tạo việc làm cho người lao động gắn với làng nghề và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển nhanh các làng nghề từ 44 làng nghề (năm 2010) lên 81 làng nghề (2016) và tăng các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.
Cùng với đó tỉnh cũng đã phân bổ hơn 32 tỷ đồng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện theo chính sách Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống phòng học chuyên môn, nhà xưởng thực hành nghề được cải tạo, nâng cấp đáp ứng kịp thời công tác dạy và học nghề của các địa phương.
Các cơ sở dạy nghề sử dụng có hiệu quả kinh phí, tài sản thiết bị được giao hàng năm. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên có trình độ đại học và cao đẳng chiếm trên 70%, số giáo viên đạt chuẩn chiếm gần 80%.
Những kết quả đạt được cho thấy, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh ta đang thực hiện đã đi đúng hướng và hứa hẹn sẽ đạt mục tiêu phấn đấu bình quân giai đoạn 2015-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua cũng đã bộc lộ những khó khăn, yếu kém cần được đổi mới, khắc phục, đó là: Việc xây dựng kế hoạch, khảo sát dạy nghề cho lao động nông thôn của một số đơn vị, cơ sở dạy nghề còn chưa sát với tình hình thực tế, chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa thực sự gắn liền với nhu cầu phát triển của thị trường, nhu cầu doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu.
Việc đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn đa số là các nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu được dạy lưu động tại các xã, chất lượng đào tạo còn hạn chế, người học sau khi tốt nghiệp có việc làm với mức thu nhập không cao nên việc duy trì việc làm của người lao động thiếu bền vững.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 05/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề.
Đặc biệt, trong kế hoạch số 22/KH-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020, tỉnh Ninh Bình xác định dạy nghề vẫn là công cụ để hướng tới giảm nghèo bền vững. Với tinh thần này, các địa phương cần nâng cao vai trò của cấp ủy đảng cơ sở nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp với nhà đầu tư trong tuyển dụng lao động.
Ưu tiên tuyển dụng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, thợ có chất lượng cao là người địa phương, đủ năng lực tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, yêu cầu mở rộng phát triển sản xuất theo hướng CNH, HĐH.
Các địa phương khi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phối hợp với ngành liên quan để có những điều tra, khảo sát về nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội. Quan tâm đến việc đào tạo nghề cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề.
Bảo Yến