Thời gian qua, hàng loạt các sự việc có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm được phát hiện và đưa ra trước công luận như: sữa có nhiễm melamin, làm nem bằng bì lợn thối, mỡ bẩn, nước khoáng nhiễm khuẩn… là hồi chuông báo động về tình trạng mất VSATTP. Đảm bảo VSATTP trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đang là vấn đề hết sức phức tạp, cần sự hợp tác vào cuộc của toàn xã hội. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh 10 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 503 ca ngộ độc thực phẩm, ở 8 huyện, thành phố, thị xã. Mới đây là vụ ngộ độc tập thể xảy ra ngày 24-9-2009 tại tiệc cưới của gia đình ông Phạm Đức Tính (xóm 9, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô) và tiệc cất nhà của gia đình ông Bùi Văn Bảo (xóm 5, xã Khánh Thượng, Yên Mô), làm 90 người mắc với các triệu chứng như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Nhận được tin báo, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có mặt và phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, chính quyền địa phương kiểm tra, lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm và nhanh chóng điều trị cho các bệnh nhân. Nguyên nhân xảy ra ngộ độc tập thể tại 2 gia đình trên là do các gia đình cùng lấy bánh dầy bị nhiễm khuẩn tại một cơ sở sản xuất ở xã Khánh Thượng (Yên Mô).
Tiếp tục kiểm tra tại cơ sở này, Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, chưa xét nghiệm người lành mang trùng, chưa khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiến nghị đình chỉ đối với cơ sở này và yêu cầu ngành Y tế huyện Yên Mô và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kiến thức VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng tới cộng đồng dân cư để người dân biết và thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bánh, giò, bún, chả.
Theo bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì công tác đảm bảo VSATTP không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà chính quyền địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng, điều đó đã được quy định rõ trong Pháp lệnh VSATTP, nhưng thực tế cho thấy có lúc, có nơi chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Theo quy định, Trung tâm y tế tuyến huyện (Trạm y tế xã) có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, thẩm định điều kiện VSATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phân cấp quản lý trên địa bàn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP nếu được UBND huyện, UBND xã (đối với Trạm y tế xã) ủy quyền. Đến nay, việc tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP theo phân cấp quản lý vẫn chưa được hoàn thiện, các xã, phường chưa triển khai việc cấp giấy chứng nhận đăng ký VSATTP theo phân cấp.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP ở các tuyến, đặc biệt là tuyến xã, phường còn thiếu và yếu, kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác này còn hạn chế, vì vậy việc kiểm tra, giám sát, xét nghiệm gặp khó khăn. Nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định về VSATTP của chủ cơ sở, nhân viên tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống nói riêng và của nhân dân nói chung còn nhiều hạn chế…
Đảm bảo VSATTP là trách nhiệm không của riêng ai, do đó cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp, các ngành và hơn ai hết chính là bản thân mỗi người dân, bởi họ là người bị ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe, tính mạng. Chỉ khi có sự ra quân đồng bộ, trách nhiệm của các lực lượng trong xã hội thì mới mong thiết lập được trật tự, kỷ cương trong đảm bảo VSATTP, nâng cao sức khỏe người dân.
Phương Nguyên