Cách Tết Nguyên đán nửa tháng, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra để thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở 8 huyện, thành phố, thị xã. Cùng tham gia với đoàn thanh, kiểm tra số 1 tại địa bàn thành phố Ninh Bình, những địa điểm được quan tâm kiểm tra chính là những cơ sở sản xuất các mặt hàng dịp Tết như: giò, chả, thủy hải sản, cơ sở nhập khẩu, kinh doanh bia rượu, nước giải khát, bánh kẹo… Tại cơ sở sản xuất giò chả Lan Xuyên (phường Vân Giang), đây là thời điểm cơ sở hoạt động với công suất, cường độ cao. Chủ cơ sở cho biết: Vì là cơ sở hoạt động lâu năm, có thương hiệu, uy tín nên số lượng khách đặt hàng dịp Tết khá đông. Nếu như ngày bình thường, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 50-100kg giò, chả các loại thì dịp gần Tết, cơ sở đã tăng lượng sản xuất lên 200-300 kg/ngày. Để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhiều năm qua cơ sở đã chú trọng nguồn nguyên liệu đầu vào như: ký kết hợp đồng với cơ sở giết mổ có uy tín, sử dụng các phụ gia thực phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, đội ngũ người lao động làm việc tại cơ sở cũng được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, đeo găng tay, mặc đồng phục khi chế biến thực phẩm… Do đó, tuy cơ sở không rộng rãi nhưng khu vực chế biến luôn sạch sẽ, vệ sinh. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, đây là cơ sở nhiều năm liền chấp hành tốt các quy định của Luật An toàn thực phẩm…
Tại một cơ sở kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát trên đường Lê Hồng Phong, các sản phẩm được bày bán khá đa dạng, đủ chủng loại. Bên cạnh các sản phẩm là hàng sản xuất trong nước, có nhiều sản phẩm nhập khẩu. Qua công tác kiểm tra, các mặt hàng đều được niêm yết giá rõ ràng, do các cơ sở sản xuất trong nước có uy tín, thương hiệu. Các sản phẩm nhập khẩu đều có nhãn phụ bằng tiếng Việt, ghi rõ tên đơn vị nhập khẩu…
Thực tế theo nhiều người tiêu dùng, trên địa bàn thành phố Ninh Bình nếu để tìm mua sản phẩm, hàng hóa như: bánh kẹo, mứt, bia, rượu…không rõ nguồn gốc thì quả thật hơi khó. Bởi đa phần người dân đã có thông tin, kiến thức khá đầy đủ về các mặt hàng nên các sản phẩm kém chất lượng, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc giá rẻ rất khó tiếp cận thị trường thành phố. Tuy nhiên, với các khu vực mà người dân có thu nhập thấp như: vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… đây là thị trường nếu không làm tốt công tác thanh, kiểm tra hàng hóa, thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng, giá rẻ rất dễ có cơ hội để xuất hiện.
Năm qua, công tác thanh, kiểm tra về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các ngành có liên quan chú trọng thực hiện thường xuyên. Bám sát quy định của Luật An toàn thực phẩm về lĩnh vực quản lý, các ngành: y tế, công thương và nông nghiệp đã chỉ đạo các chi cục trực thuộc đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, bám sát địa bàn nhằm đưa hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vào nề nếp. Trong lĩnh vực y tế, số cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ 86,3%. Những cơ sở có vi phạm về: giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà xưởng, hàng hóa quá hạn sử dụng… đều được phát hiện, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành y tế còn quan tâm xây dựng các mô hình điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua việc ký kết hợp đồng trách nhiệm với 5 xã, phường thuộc huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình về xây dựng mô hình điểm về thức ăn đường phố nhằm đưa các nội dung về an toàn thực phẩm đến với người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất, hiệu quả nhất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản là các đối tượng không chỉ được kiểm tra thường xuyên mà còn được giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm thông qua việc triển khai lấy các mẫu giám sát như: thịt, rau, thủy sản, nước… để phát hiện có chứa chất cấm, dư lượng chất độc hại trong chăn nuôi, nhiễm E.coli… hay không.
Đối với ngành công thương, thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng tháng, hàng quý đều ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tất cả các mặt hàng, phụ gia thực phẩm và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường căn cứ vào tình hình tại địa bàn phân công quản lý, tập trung kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, các kho hàng chứa gia cầm đã sơ chế và cơ sở ăn uống, tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn…
Đợt thanh, kiểm tra thực phẩm, hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh việc tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động, sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Đây là dịp để huy động toàn thể nhân dân, các cấp, các ngành, các địa phương cùng tham gia tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Đồng thời, qua công tác thanh, kiểm tra cũng giúp cho người dân có thêm thông tin, kiến thức trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc…
Lý Nhân