Vào các phòng khám răng-hàm-mặt bây giờ, điều dễ nhận thấy đối tượng khách hàng đang tập trung đông chính là các cháu học sinh ở độ tuổi tiểu học, THCS, THPT. Đây là lứa tuổi mà hàm răng đã phát triển tương đối đầy đủ hoặc chưa hoàn thiện nhưng một số cháu lại có khiếm khuyết về hàm, về răng như: răng hô, răng khấp khểnh, răng to…Thấm nhuần quan niệm "hàm răng, mái tóc là góc con người", nhiều bậc phụ huynh đặc biệt chăm lo đến vẻ ngoài của con nên đã tìm đến các cơ sở về nha khoa để khắc phục. Đây là lý do khiến các phòng khám răng-hàm-mặt tư nhân "mọc" lên như nấm để đáp ứng nhu cầu làm đẹp chính đáng của người dân. Không chỉ trẻ em có nhu cầu sửa chữa về răng, mà nhiều người lớn, nhất là các chị em hiện nay đang có xu hướng có một hàm răng đều tăm tắp, trắng bóng thông qua cách mài răng cho nhỏ lại để lắp ra ngoài một hàm răng giả bằng các chất liệu khác nhau. Chi phí cho việc lắp răng giả khá cao, từ vài trăm nghìn cho đến cả chục triệu đồng/chiếc. Đơn giản nhất khi có phụ huynh đưa con vào phòng khám răng là việc đưa con đi nhổ chiếc răng bị lung lay bởi "ở nhà tự nhổ cho con sợ nhỡ không may nhiễm trùng hoặc chảy nhiều máu, không biết cách xử lý"… Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có dịp theo chân đoàn kiểm tra của Sở Y tế đi thanh, kiểm tra đột xuất một phòng khám răng tư nhân thuộc phố Vạn Hưng, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình. Đây là buổi kiểm tra đột xuất theo thông tin từ "đường dây nóng" của Sở Y tế. Ngay trong quá trình kiểm tra, có một phụ huynh đưa con đang học lớp 1 vào nhổ răng lung lay. Khi được hỏi "chị có biết gì về phòng khám này không?", chị phụ nữ cười cho biết "Tôi chỉ thấy quảng cáo trên biển là phòng khám chất lượng cao, có đội ngũ y, bác sỹ chuyên nghiệp nên đưa con vào". Qua trò chuyện với vị phụ huynh này, lý do chị đưa con đến phòng khám nhổ răng cũng vì lo cho sự an toàn của con nếu nhổ răng ở nhà. Tuy nhiên, khi được trưởng đoàn kiểm tra của Sở Y tế cho biết đây là phòng khám không có bác sỹ, chỉ có điều dưỡng không đủ chức năng để thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn, vị phụ huynh hết sức ngạc nhiên vì "tôi cứ nghĩ cứ mặc áo trắng là có thể nhổ răng được…"… Từ câu chuyện của phụ huynh này cho thấy còn rất nhiều người chưa hiểu biết thấu đáo về các phòng khám tư nhân nên khá tự tin khi bàn giao sức khỏe, tính mạng của mình và người thân cho các phòng khám.
Tuy nhiên, không thể trách người dân vì thiếu kiến thức, hiểu biết, mà phần lớn các phòng khám khi mở ra đã có "trăm phương, nghìn kế" để quảng cáo, tiếp thị. Đơn giản nhất là phòng khám có tên "Nha khoa thẩm mỹ Hà Nội" ở địa chỉ số 357 phố Vạn Hưng, phường Bích Đào mà chúng tôi đến, trên các tấm biển được treo xung quanh và trước cửa phòng khám, các nội dung quảng cáo khá hấp dẫn, cuốn hút: đội ngũ y, bác sỹ chuyên nghiệp, lành nghề…Nhưng qua kiểm tra, chủ phòng khám có giấy phép hành nghề đã quá hạn. Đã vậy, bản thân chủ phòng khám lại không nắm được quy định của pháp luật khi từ 1-1-2015 theo Luật Khám, chữa bệnh, đối với các cơ sở phòng khám tư nhân, yêu cầu chủ cơ sở phải có bằng đại học (đối với khu vực thành phố), bằng trung cấp chỉ áp dụng đối với khu vực miền núi, vùng sâu, xa. Trong khi, chủ cơ sở chỉ có bằng y sỹ răng hàm mặt. Và trong chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được cấp đã ghi rõ "phạm vi hoạt động chuyên môn là phụ giúp bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện y lệnh". Còn một nhân viên mặc áo trắng trực tại phòng khám, dù được yêu cầu nhiều lần nhưng không thể cung cấp được bằng cấp, chứng chỉ hành nghề. Kiểm tra thực tế, ngoài các thủ tục, giấy tờ hết hạn hoặc không có, phòng khám này không trang bị cả tủ cấp cứu chuyên khoa, tủ thuốc có nhưng cũng không đầy đủ các loại thuốc theo quy định. Theo bác sỹ Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế, trưởng đoàn kiểm tra: Dù là lĩnh vực nào thì các tai biến chuyên khoa có thể xảy ra không thể lường trước được. Do đó, người dân cần có kiến thức, hiểu biết để đến các phòng khám có đầy đủ các điều kiện về thủ tục pháp lý lẫn chuyên môn để được khám, chữa bệnh, làm các dịch vụ y tế đảm bảo an toàn. Trước các vi phạm của phòng khám trên, đoàn kiểm tra đã thực hiện niêm phong 2 ghế làm răng, yêu cầu chủ phòng khám tháo dỡ biển quảng cáo không đúng sự thật và ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám.
Trước vi phạm của phòng khám trên, đoàn kiểm tra của Sở Y tế cũng nêu kiến nghị: Nếu cứ "mặc định" mỗi ngành y tế có chức năng quản lý, thanh kiểm tra thì không thể nắm bắt và phát hiện kịp thời các vi phạm của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Trong khi toàn tỉnh có trên 600 cơ sở y tế tư nhân mà hoạt động thanh, kiểm tra của ngành y tế thời gian qua chưa thể kiểm tra được tất cả các cơ sở. Trách nhiệm này còn thuộc về chính quyền địa phương, trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Bởi hoạt động của các cơ sở hành nghề y tư nhân nằm ngay trên địa bàn của các đơn vị, có hoạt động diễn ra hàng ngày. Khi các địa phương có sự quản lý sát sao, thường xuyên thì khó có thể xảy ra tình trạng phòng khám có vi phạm hoặc giấy phép hành nghề không có hoặc hết hạn…để người dân phải bức xúc, phản ánh đến "đường dây nóng" của ngành y tế. Hơn bao giờ hết, người dân luôn mong mỏi ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến hoạt động quản lý, thanh, kiểm tra các cơ sở răng-hàm-mặt nói riêng, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân nói chung để góp phần bảo vệ cho sức khỏe, tính mạng của người dân.
Bài, ảnh: Lý Nhân