Khi tiến hành kiểm tra đột xuất việc sản xuất, kinh doanh miến, bánh của 2 hộ gia đình ở phố Thượng Đông, thị trấn Yên Ninh, Đoàn kiểm tra nhận thấy, nhìn chung, các cơ sở chưa đảm bảo đầy đủ thủ tục hành chính về ATTP; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ còn nhiều hạn chế; người tham gia sản xuất chưa có Giấy chứng nhận sức khỏe, Giấy xác nhận kiến thức về ATTP; nguyên liệu sản xuất không có hóa đơn/chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể như, các hộ sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất còn lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh; còn sử dụng một số loại hóa chất để tẩy màu, làm trắng và bảo quản sản phẩm, trong đó hầu hết các loại hóa chất này không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ... Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, các hộ đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Tìm hiểu được biết, đây là tình trạng chung của gần 200 cơ sở sản xuất miến, bún, bánh tại làng nghề Yên Ninh, thị trấn Yên Ninh. Nguyên nhân là do, hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư cho máy móc, nhà xưởng ít, do đó các cơ sở sản xuất phải tự "chế" và rút ngắn các công đoạn để đảm bảo sản xuất có lãi, do đó nhiều quy trình không đảm bảo vệ sinh, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến thành phẩm...
Qua kiểm tra đột xuất trên địa bàn thị trấn Yên Ninh cũng nhận thấy, không chỉ các cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, một số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp chưa đủ các điều kiện vẫn tổ chức kinh doanh, buôn bán.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Thời gian qua, huyện Yên Khánh đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của tỉnh, chủ động tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo ATTP. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về kiến thức ATVSTP, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP của các bộ, ngành tới các cơ sở sản xuất và người dân về việc không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt…
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên ngành theo phân cấp quản lý đối với các nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, vùng sản xuất rau… trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã kiểm tra hơn 30 cơ sở kinh doanh thực phẩm, vật tư nông nghiệp, sản xuất rau, bún bánh trên địa bàn.
Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm; phạt tiền và tịch thu, tiêu hủy nhiều loại hàng giả, hàng hết hạn sử dụng với tổng số tiền gần 16 triệu đồng. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra chưa được thường xuyên, còn nhiều bất cập; trong đó có nguyên nhân do kinh phí, trang thiết bị chưa đầy đủ; còn chồng chéo về phân cấp quản lý và trách nhiệm cũng như mạng lưới cán bộ giữa các ngành: công thương, nông nghiệp và y tế; công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục…
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh cho rằng, mặc dù UBND huyện và cơ quan quản lý của huyện Yên Khánh đã cơ bản triển khai tốt công tác quản lý về ATTP trên địa bàn, như ban hành đầy đủ văn bản chỉ đạo, quản lý đối với tuyến xã; triển khai công tác kiểm tra, công tác tuyên truyền về ATTP vào các đợt trọng điểm và theo định kỳ nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm…
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý về ATTP tại các làng nghề chưa được tập trung triển khai; công tác kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp còn hạn chế; chưa đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm hành chính về ATTP; chưa kiểm soát được hoạt động trong sản xuất ban đầu ngành nông nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt và chưa thực hiện phân công, phân cấp quản lý theo Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND ngày 11-6-2015 của UBND tỉnh.
Trước thực trạng trên, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh đề nghị UBND huyện Yên Khánh cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý về ATTP đối với UBND các xã, thị trấn; đối với các phòng, ban và tổ chức chính trị xã hội có liên quan tới công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện. UBND huyện bố trí nguồn kinh phí cho công tác quản lý ATTP, đặc biệt công tác kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng ATTP.
Các ngành Nông nghiệp, Công thương và Y tế cần tích cực tham mưu, phối hợp trong công tác quản lý về ATTP. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp thực hiện công tác quản lý về ATTP theo phân công, phân cấp và có biện pháp quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất ban đầu (từ nuôi, trồng)... Qua đó từng bước hình thành thói quen sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm đảm bảo vệ sinh, đưa công tác VSATTP ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả.
Hạnh Chi