Do đó có những khách hàng sử dụng đến hàng chục, thậm chí vài chục sim, sử dụng hết tiền là bỏ, gây lãng phí cho ngân hàng sim, số, khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Đã có những đối tượng dùng sim "rác" này để gửi tin nhắn nặc danh, tin nhắn lừa đảo, gây rối trật tự công cộng, trị an, thậm chí là khủng bố.
Trước thực tế đó, ngày 24/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25 ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Với việc ban hành Nghị định này, một lần nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước được thắt chặt hơn. Tình trạng sim rác, sim ảo sắp tới sẽ được loại bỏ ở mức tối đa. Đây là cơ sở pháp lý giúp cơ quan Nhà nước thắt chặt quản lý các doanh nghiệp viễn thông theo hướng chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Ông Bùi Đức Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Nghị định số 49 được ban hành với mục đích sửa đổi, bổ sung, thay đổi một số quy định về quản lý thuê bao di động nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác triển khai, giảm thủ tục hành chính; tăng tính chính xác của thông tin thuê bao di động trả trước; đồng thời đưa ra các mức xử phạt nghiêm khắc hơn nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 nhà mạng di động là Viettel, Vinaphone, Mobifone và Gtel Mobile. Theo Nghị định 49, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các đại lý được ủy quyền; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin thuê bao.
Một điều mới của Nghị định 49 là số lượng sim trả trước đối với mỗi tổ chức, cá nhân được sử dụng sẽ không bị hạn chế như trước đây (3 thuê bao/cá nhân). Tuy nhiên, việc đăng ký thuê bao thứ 4 trở lên phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp viễn thông di động để đảm bảo các số thuê bao đó được sử dụng theo đúng quy định.
Khách hàng đăng ký thuê bao phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng số thuê bao đã được cấp, cũng như khi chuyển nhượng thuê bao. Các doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng (đến 24/4/2018) để chuẩn hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch…
Nếu các thông tin thuê bao bị phát hiện chưa tuân thủ các quy định mới trong Nghị định, người đứng đầu doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu phạt số tiền tới 100 triệu đồng, doanh nghiệp có thể phải chịu phạt tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền phạt thực tế có thể rất lớn, bởi ngoài các khoản phạt nêu trên, doanh nghiệp viễn thông còn phải nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của sim sau ngày 14/4/2018.
Để Nghị định 49 đi vào thực tế cuộc sống và giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai thực hiện, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 236, ngày 5/6/2017 về việc phổ biến nội dung Nghị định số 49 ngày 24/4/2017 của Chính phủ.
Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản số 554, ngày 23/6/2017 đề nghị Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và người dân về các nội dung của Nghị định 49. Các doanh nghiệp viễn thông phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, công nhân của doanh nghiệp, các đại lý, điểm bán SIM di động, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, trong thời gian 12 tháng tới, hầu hết các thuê bao di động phải tiến hành thực hiện cung cấp lại thông tin thuê bao cho các doanh nghiệp viễn thông di động. Sau 3 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân hiện đang bán SIM di động phải ngừng hoạt động bán SIM; các doanh nghiệp phải tổ chức lại và thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để tiếp nhận hoạt động cung cấp thông tin thuê bao và cung cấp dịch vụ viễn thông.
Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đang tích cực bổ sung các quy trình đăng ký thông tin thuê bao tại tất cả các điểm giao dịch trong toàn tỉnh. Bổ sung các tính năng cho tất cả các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ hiện có; đẩy mạnh phát triển các công cụ mới để đáp ứng các yêu cầu trong Nghị định 49… Đồng thời tăng cường phê duyệt, hậu kiểm thông tin thuê bao của tất cả các thuê bao phát triển mới, các thuê bao đăng ký lại trên toàn bộ các kênh phát triển thuê bao hiện có.
Ông Phan Minh Sỹ, Phó Giám đốc Viettel Ninh Bình cho biết, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các điểm bán lẻ, điểm bán ủy quyền, điểm nào đáp ứng các điều kiện theo quy định thì ký hợp đồng lại, không đáp ứng sẽ thanh lý hợp đồng. Cùng với đó, Viettel Ninh Bình tiến hành thu hồi sim rác, không bán sim lẻ mà bán theo gói; đồng thời tăng cường các dịch vụ tiện ích, đẩy mạnh chăm sóc khách hàng… nhằm từng bước đưa các thuê bao di động đi vào nền nếp, thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.
Với những quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49 đang là chế tài quan trọng giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục triển khai quản lý hiệu quả hơn số thuê bao di động trả trước. Đối với các doanh nghiệp viễn thông di động, việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định 49 không chỉ để tránh bị phạt, mà quan trọng hơn là để hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao bởi đây là kho dữ liệu cực kỳ có giá trị, là nền tảng để phát triển các dịch vụ mới trong tương lai và cũng là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chất lượng quản lý thuê bao di động trả trước, hạn chế tối đa tình trạng sim rác, sim ảo trên thị trường viễn thông.
Hạnh Chi