Những kết quả đạt được Theo Quy hoạch, hiện tại tỉnh Ninh Bình có 7 KCN và 8 CCN đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, trong đó có 5 KCN và 7 CCN đã đi vào hoạt động. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã đạt trên 90%.
Hiện KCN Khánh Phú đã đầu tư, đi vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1; KCN Gián Khẩu đang trong quá trình hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn các KCN khác chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, riêng KCN Tam Điệp giai đoạn 1 và KCN Phúc Sơn, các dự án được chấp thuận đầu tư đều phải tự xử lý nước thải đạt cấp độ A trước khi thải ra môi trường.
Đối với môi trường không khí trong khu công nghiệp: Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải nhằm xử lý khí thải phát sinh của đơn vị trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải nên đã ảnh hưởng đến môi trường phụ cận.
Các CCN trên địa bàn đã thu hút được gần 200 dự án đầu tư thuộc các ngành nghề sản xuất khác nhau như: sản xuất kim loại, sản xuất cói, chế tác đá và các dịch vụ kinh doanh, giải trí. Trong đó, quy mô sản xuất hộ gia đình chủ yếu hoạt động trong các cụm làng nghề như chế tác đá Ninh Vân và sản xuất gỗ mỹ nghệ Ninh Phong…
Tuy nhiên, hiện nay các CCN chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Trước mắt, nước thải phát sinh được các đơn vị đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phát sinh được các đơn vị thu gom, phân loại ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để xử lý. Không khí tại các cụm công nghiệp hiện nay chủ yếu là ô nhiễm bụi phát sinh từ làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Ninh Bình cũng là một địa phương có thế mạnh trong ngành công nghiệp khai khoáng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 64 đơn vị khai thác khoáng sản theo 70 giấy phép khai thác. Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, các đơn vị đã cơ bản thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển có một số phương tiện chở quá trọng tải, che phủ bạt chưa kín làm vương vãi vật liệu nên gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt, hiện tượng ô nhiễm khói bụi trầm trọng do nung đốt vôi thủ công trong khu dân cư nội thành đã được xóa bỏ hoàn toàn. Toàn tỉnh đã thực hiện tốt việc xóa bỏ dây chuyền xi măng lò đứng, xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công và đang tiến hành xóa bỏ các lò vôi thủ công trên toàn tỉnh.
Hiện nay, các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều đã được đầu tư, xây dựng hệ thống lò đốt rác thải y tế theo quy định. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã được đầu tư, xây dựng hệ thống lò đốt rác thải y tế để xử lý lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh.
Đặc biệt Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư hệ thống lò hấp chất thải. Chất thải sau khi được xử lý thành chất thải thông thường được vận chuyển về các nhà máy, khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, 90% rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp được thu gom, xử lý; 74% các đơn vị cấp xã đã hình thành mô hình tổ thu gom rác thải nông thôn. Công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện thường xuyên.
Cần tăng cường công tác phối hợp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường hiện đang đứng trước nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, yêu cầu về xây dựng các dự án phát triển kinh tế tăng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nguy cơ xảy ra suy thoái môi trường, sự cố môi trường ngày càng gia tăng, chất thải công nghiệp thu gom và xử lý chưa đảm bảo an toàn về môi trường đã và đang gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái và những thiệt hại khác. Đây là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự phát triển bền vững.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, vừa qua UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, các đơn vị, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nâng cao ý thức trách nhiệm BVMT, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư; Xây dựng kế hoạch và thực hành diễn tập đối với các sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.
Kịp thời phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường, thực hiện ngay các giải pháp ngăn chặn, khắc phục, đảm bảo không phát sinh ô nhiễm ra môi trường xung quanh; Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường, hoàn chỉnh các hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng các quy định về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; Nâng cao năng lực vận hành dây chuyền sản xuất, nhất là hệ thống xử lý ô nhiễm cho công nhân, đảm bảo khi vận hành sản xuất, xử lý các nguồn thải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.
Ban quản lý các KCN chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các đơn vị vi phạm, thậm chí là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu phải hoàn chỉnh thủ tục hoặc khắc phục sự cố môi trường.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quan trắc, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố về ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN và khu sản xuất tập trung. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, hoàn thiện hệ thống xử lý ô nhiễm, nhất là đối với các dự án, nhà máy có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường của các dự án đầu tư và hệ thống thu gom nước thải tại KCN, CCN, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các giải pháp BVMT theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch BVMT đã được phê duyệt.
Cương quyết xử lý đối với các chủ dự án gây ô nhiễm môi trường và thông tin kịp thời về tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà máy, hướng khắc phục cho các đơn vị liên quan và nhân dân biết để giám sát quá trình thực hiện.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn, phối hợp với Ban Quản lý các KCN, Sở TN&MT cùng các ngành chức năng kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc địa bàn phụ trách, chủ động đề xuất phương án xử lý khắc phục đối với các sự cố môi trường.
Nguyễn Thơm