Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, gồm: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Sfone, EVN Telecom, HT Mobifone. Sự phát triển nhanh của mạng lưới viễn thông đã góp phần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Trong 7 tháng đầu năm 2008, số lượng thuê bao điện thoại trên địa bàn tăng mạnh, với 60.097 thuê bao hòa mạng mới, đưa tổng số thuê bao cố định và di động toàn tỉnh lên 311.054 thuê bao, nâng mật độ điện thoại trên địa bàn đạt 33,5 máy/100 dân, gấp 2,74 lần so với thời điểm cuối năm 2006, trong đó, thuê bao di động chiếm 53%.
Sự gia tăng mạnh của các thuê bao điện thoại kéo theo yêu cầu hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Nếu như năm 2006, toàn tỉnh mới có 77 trạm BTS, đến nay đã tăng lên 193 trạm (trong đó của Vietel là 67 trạm, Vinaphone là 46, Mobifone là 42...), phủ sóng ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn. Dự kiến đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 454 vị trí đặt trạm. Theo ông Đỗ Văn Khâm, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông: Nhìn tổng thể, việc phát triển các trạm BTS mới chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt về số lượng còn các yếu tố về quy hoạch, đảm bảo mỹ quan, hiệu quả của công trình... thì vẫn chưa thực sự được quan tâm. Trong khi đó, quản lý Nhà nước về bưu chính - viễn thông (BC-VT) là lĩnh vực còn mới và khá phức tạp, cán bộ quản lý BC-VT ở các huyện, thành phố, thị xã còn thiếu chuyên môn và kinh nghiệm nên thường lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng cho các thuê bao điện thoại ngày càng lớn, các doanh nghiệp viễn thông mới tập trung xây dựng trạm BTS tại các điểm "đắc địa", những khu vực đông dân cư, còn ở vùng sâu, vùng xa thì chưa thực sự được quan tâm, chú ý, thậm chí một số trạm xây dựng không phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới viễn thông của ngành. Đơn cử như tại trung tâm các huyện, thị xã hiện có từ 2 đến 3 trạm thu, phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau..., còn ở một số xã vùng sâu chưa có trạm BTS nào. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân không đồng đều, hiểu biết về ảnh hưởng của sóng điện từ chưa đầy đủ nên xảy ra tình trạng khiếu kiện, gây cản trở doanh nghiệp khi triển khai xây dựng trạm. Đây là thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp trong việc phát triển mạng lưới trạm BTS hiện nay...
Những bất cập trong xây dựng các trạm BTS không chỉ xảy ra riêng đối với Ninh Bình mà còn xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước. Để khắc phục tình trạng này, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mạng viễn thông, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, ngày 11-12-2007, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 12 hướng dẫn việc cấp phép xây dựng đối với các trạm BTS. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin - Truyền thông Ninh Bình đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tư pháp xây dựng "Dự thảo Quyết định ban hành quy định về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh". Theo đó, dự thảo sẽ thống nhất quy trình, thủ tục cho phép xây dựng trạm BTS của các doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng trạm BTS, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các trạm BTS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Sở Thông tin - Truyền thông còn phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chấn chỉnh hoạt động xây dựng các trạm BTS không phép. Trong thời gian tới, Sở sẽ tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác quản lý bưu chính - viễn thông ở các địa phương, góp phần nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một biện pháp được khuyến cáo là các doanh nghiệp nên dùng chung cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, thời gian xây dựng, đồng thời giải quyết được tình trạng cột ăngten làm mất mỹ quan, gây lãng phí. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp "ngồi lại" với nhau để cùng bàn bạc thống nhất chưa nhiều (theo thống kê sơ bộ, trong tổng số 193 trạm BTS thì mới có khoảng 35 trạm dùng chung vị trí).
Để đảm bảo phát triển mạng lưới thông tin di động một cách khoa học và bền vững, đã đến lúc phải đưa việc xây dựng các trạm BTS vào nền nếp, theo quy hoạch. Điều đó đòi hỏi cần có sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành chức năng nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về vấn đề này.
Đinh Ngọc