Các dự án trọng điểm về du lịch Ninh Bình phát triển mạnh, có tính đột phá như: Khu du lịch Tràng An, Chù Bái Đính, Tam Cốc- Bích Động, khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, khu Hồ Yên Thắng, hồ Đồng Chương... được đưa vào thăm quan du lịch. Đặc biệt, trong năm 2014, tỉnh ta đã tổ chức thành công các sự kiện quan trọng như Đại Lễ Phật đản Liên hợp quốc, đón bằng UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới làm cho du lịch Ninh Bình càng nổ bật. Do vậy, l nhất là Tết và các kỳ nghỉ lễ lớn của đất nước như 30-4; 1-5; 2-9...từ đó nhu cầu về sử dụng các dịch vụ ăn, nghỉ cũng tăng theo rất lớn. Nhiều doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp và cá nhân hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nộp thuế cho Nhà nước như thế nào và liệu có thất thu thuế trong lĩnh vực này? Tính đến ngày 31-12-2013, theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh ta có 276 khách sạn, nhà nghỉ với 3.999 phòng nghỉ. Có 68 doanh nghiệp và 611 hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng do các cơ quan thuế quản lý và lập sổ bộ thuế. Nhìn chung, các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh khách sạn, nhà hàng đã tạo ra nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước, số thu lĩnh vực này năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất thấp so với tiềm năng du lịch Ninh Bình, số thu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng số thuế, phí thu được hàng năm. Năm 2010, số thu thuế kinh doanh nhà hàng khách sạn được 7.799 triệu đồng, trong đó thu kinh doanh khách sạn 3.685 triệu đồng, thu thuế kinh doanh nhà hàng ăn uống và các dịch vụ khác là 4.114 triệu đồng, chiếm 0,8% tổng thu thuế, phí trên địa bàn. Năm 2011, tổng thu kinh doanh khách sạn, nhà hàng được 9.017 triệu đồng bằng 0,54% tổng thu thuế, phí của tỉnh. Năm 2012, số thu thuế kinh doanh khách sạn, nhà hàng có khá hơn, đạt 13.314 triệu đồng nhưng cũng chỉ bằng 0,76% tổng thu thuế, phí trên địa bàn. (số liệu năm 2013 và 2014, chúng tôi đã liên hệ nhưng hiện tại chưa được cập nhật).
Nhìn vào các số liệu trên, chúng ta có thể khẳng định thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng là không nhỏ. Nguyên nhân về mặt khách quan, đây là lĩnh vực khó, có tính đặc thù, chủ yếu dựa vào sự tự giác của chủ doanh nghiệp và hộ kinh doanh lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. Nguyên nhân chủ quan phía doanh nghiệp và hộ kinh doanh là một số người ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước chưa cao, đã kê khai không đúng giảm doanh số hoặc khai khống chi phí làm giảm thu nhập tính thuế. Đối với khách hàng là những người sử dụng các dịch vụ thì chỉ có các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thanh, quyết toán mới yêu cầu người quản lý khách sạn, nhà hàng xuất hóa đơn, còn hộ gia đình hoặc cá nhân đi thăm quan thì không cần hóa đơn, do vậy doanh nghiệp cũng không xuất hóa đơn, không kê khai, nộp thuế. Nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý Nhà nước là công tác tuyên truyền pháp luật thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khách sạn, nhà hàng chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngành, các cấp, các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, nhất là việc kiểm tra, giám sát. Nhận thức và trình độ quản lý của một bộ phận cán bộ, công, viên chức có liên quan đến quản lý kinh doanh nhà hàng, khách sạn còn hạn chế gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Để chống thất thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ta trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là ngành thuế cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật thuế cho các chủ kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Công an, Tài chính, Quản lý thị trường, Thanh tra Văn hóa, Thể thao, Du lịch và chính quyền địa phương kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, chứng từ, đăng ký lưu trú, niêm yết giá… đối với các khách sạn, nhà hàng và thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về các vi không đăng ký lưu trú, trốn doanh thu, khai khống chi phí, nợ đọng thuế. Phân cấp quản lý đối tượng nộp thuế kinh doanh lĩnh vực du lịch về theo địa phương và gắn việc thu thuế với trách nhiệm, quyền lợi của cấp ủy, chính quyền cơ sở với người trực tiếp thu, nộp thuế. Ngành thuế cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và cả chuyên môn nghiệp vụ như: kê khai tính thuế, kiểm tra sổ sách, hóa đơn, chứng từ để thu thuế đúng, đủ đối với các chủ kinh doanh khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Đông