Khảo sát tại một số cửa hàng thuốc tân dược trên địa bàn thành phố Ninh Bình nhận thấy, có khá nhiều các loại thực phẩm chức năng, sử dụng cho mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính. Chị Hoàng Thị Thảo, chủ một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Nam Thành (TP Ninh Bình) cho hay, TPCN hiện nay có rất nhiều loại, cho nhiều độ tuổi và đối tượng khác nhau, trong đó dành cho phụ nữ hỗ trợ làm đẹp tóc, đẹp da, duy trì sinh sản..; cho trẻ em, với các sản phẩm hỗ trợ trẻ biếng ăn, tăng chiều cao, thể lực, tinh mắt…; đối với người già là các sản phẩm TPCN duy trì trí nhớ, hỗ trợ xương khớp, chống lão hóa… Theo đó, cả người kinh doanh và người tiêu dùng đều hiểu về các loại TPCN này theo những thông tin quảng cáo ghi trên nhãn mác của nhà sản xuất, còn thực tế chất lượng như thế nào thì không ai đánh giá và thẩm định được.
Theo đại diện ngành Y tế tỉnh, hàng năm, ngành Y tế chỉ đạo cơ quan quản lý là Chi cục ATVSTP tỉnh tích cực kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo về TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng ở tất cả các huyện, thành phố. Mỗi năm, Chi cục ATVSTP tỉnh đều tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo về TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở có đủ điều kiện về ATTP để kinh doanh TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp ngành nghề kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/Giấy chứng nhận đạt GDP/Giấy chứng nhận đạt GPP; nơi bán hàng, kho chứa hàng được vệ sinh tương đối sạch sẽ, đảm bảo; có tủ kính/giá kệ để trưng bày hàng hóa; một số cơ sở có máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm… Qua kiểm tra cũng cho thấy, đa số các sản phẩm TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng có tem nhãn theo quy định, còn hạn sử dụng, đã được công bố chất lượng theo quy định, có hóa đơn hoặc biên nhận thể hiện nguồn gốc; hầu hết người bán hàng có Giấy chứng nhận sức khỏe…
Tuy nhiên qua kiểm tra nhận thấy, vẫn còn một số cơ sở thực hiện việc theo dõi, xuất nhập hàng chưa đầy đủ nội dung thông tin phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm (liên quan tới số lô sản xuất, ngày sản xuất....) theo quy định; một số cơ sở kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài không có tem phụ tiếng việt hoặc có tem nhưng nội dung chưa đầy đủ theo quy định… Trên cơ sở kết quả kiểm tra, kiểm soát, Chi cục ATVSTP tỉnh thực hiện cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở đủ điều kiện; hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định của nhà nước về ATTP; đồng thời lấy mẫu để kiểm nghiệm đánh giá chất lượng thuốc…
Thực tế hiện nay, ngoài các cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược, còn tồn tại hình thức kinh doanh đa cấp. Phương thức kinh doanh này gây khó khăn cho công tác quản lý, bởi việc tư vấn bán hàng và các sản phẩm TPCN do người bán trực tiếp liên hệ, trao đổi với người mua nên rất khó kiểm soát. Đã có không ít người kinh doanh, phân phối các mặt hàng TPCN "tâng bốc" các sản phẩm TPCN như "một loại thần dược" có thể chữa được tất cả các loại bệnh. Điều này phần nào gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người đang mắc bệnh. Đã có không ít trường hợp người tiêu dùng cả tin, thiếu hiểu biết, mua các sản phẩm TPCN về uống để thay thế thuốc, vừa tốn tiền vừa làm bệnh nặng thêm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để sử dụng hiệu quả TPCN, người tiêu dùng cần tìm hiểu để có những kiến thức đúng về tác dụng của TPCN, sử dụng một cách hợp lý, phù hợp với sức khỏe bản thân, tránh lạm dụng thay thế cho các thực phẩm thông thường hoặc thuốc điều trị… Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định chặt chẽ đối với các loại TPCN trước khi lưu hành trên thị trường, phải được thử nghiệm lâm sàng cũng như công bố định lượng, các phép thử đối với các loại thảo dược sử dụng để sản xuất TPCN..., góp phần đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Mỹ Hạnh