Lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mục đích, yêu cầu đặt ra là tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 21/CT-TTg, gắn với thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng đến đông đảo nhân dân.
Các ngành, địa phương đánh giá đúng thực trạng, tình hình hoạt động của tội phạm và xác định được những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động lừa đảo như: Tài chính, ngân hàng, bất động sản, kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Công an tỉnh thực hiện công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đẩy mạnh phổ biến các hình thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi chiếm đoạt tài sản gây ra.
Phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; tổ chức có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ hoạt động của các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, xử lý tội phạm và triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt khi xảy ra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Sở Tư pháp phối hợp rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập liên quan đến phòng ngừa, xử lý vi phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật, nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên, người thực hiện chứng thực. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; cổ vũ, động viên, tôn vinh các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo.
Sở Công Thương tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, điện tử; quản lý hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ trên website thương mại điện tử. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khuyến mại, kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thẩm định, cấp đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề thuộc lĩnh vực tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất… Sở Tài chính thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp.
Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa và Thể thao, Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý trên các lĩnh vực được phân công để phòng ngừa không để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động làm tốt công tác tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động; thông tin công khai, rộng rãi cho người dân về các cơ sở được phép kinh doanh trong lĩnh vực môi giới, việc làm, du học, xuất khẩu lao động…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Ninh Bình tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về triển khai ứng dụng thanh toán mới, bảo đảm chặt chẽ, an toàn; khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong hoạt động cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền.
Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, hội viên; thực hiện tốt việc vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, mục tiêu về công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ đạo lực lượng Công an địa phương tập trung tấn công trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trần Dũng