Ninh Bình hiện có đàn gia cầm khoảng 3,6 triệu con, tăng 2,1% so với năm 2010, trong đó đàn gà có 2,66 triệu con. Từ năm 2009 trở lại đây, tình hình dịch bệnh ở đàn gia cầm trên địa bàn tương đối ổn định, số lượng gia cầm có xu hướng tăng (từ 3,5 triệu con năm 2010 lên 3,6 triệu con năm 2011). Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm đã có những diễn biến phức tạp hơn. Trên toàn quốc, dịch đã phát sinh tại 4 xã của 4 huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng làm 1.683 con gia cầm mắc bệnh và chết. Đáng báo động hơn là mới đây đã ghi nhận 2 bệnh nhân tại Kiên Giang và Sóc Trăng bị tử vong do nhiễm vi rút cúm gia cầm.
Một số địa phương trong tỉnh đã xảy ra hiện tượng gia cầm ốm chết rải rác, với triệu chứng lâm sàng của bệnh tụ huyết trùng, Niu-cát-xơn, bệnh dịch tả vịt. Riêng trên địa bàn huyện Nho Quan đã xuất hiện trường hợp gia cầm ốm chết hàng loạt. Chi cục Thú y đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả mẫu vịt nhà ông Đinh Văn Cử dương tính với vi rút cúm A. Hiện tại các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và 2 xã Thanh Lạc và Thượng Hòa đang nỗ lực giám sát, khoanh vùng dập dịch.
Ông Đinh Quốc Sự, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cảnh báo: Sau Tết Nguyên đán, hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm tiếp tục sôi động bởi người chăn nuôi vừa mua giống về tái đàn, vừa tiếp tục bán gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày và mùa lễ hội. Trong khi đó năm 2011, đàn gia cầm ở tỉnh ta chưa được tiêm phòng cúm gia cầm do nhánh vi rút H5N1 mới đã xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và vắc xin H5N1 Re-5 không còn hiệu quả với một số chủng vi rút thuộc nhánh này. Do vậy, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia cầm là rất cao, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chuyên môn và người chăn nuôi phải đề cao cảnh giác, đồng thời khẩn cấp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa từ xa đối với dịch gia cầm.
Ông Trương Đức Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y huyện Nho Quan bày tỏ sự lo lắng: Thời điểm này bà con nông dân đang tập trung gieo cấy vụ đông xuân nên đàn thủy cầm được dồn lại, nuôi nhốt trong một diện tích hẹp, nguy cơ ô nhiễm cao nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Cũng như ở Nho Quan, người chăn nuôi ở các huyện khác cũng đang lo lắng. Ông Dương Văn Mười ở thôn 12, xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) cho biết: Gia đình ông hiện có 200 con gà, nghe các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin ở một số tỉnh đã có dịch H5N1,vì thế ông đã liên hệ với cán bộ thú y cơ sở để mua vắc xin tiêm phòng nhưng chưa có. Do vậy ông chỉ còn cách tập trung vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng, chống rét... với hy vọng đàn gà của gia đình không bị mắc bệnh.
Để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Sở Nông nghiệp & PTNT đã cấp 3.520 lít hóa chất để các địa phương tiến hành khử trùng, tiêu độc. Bên cạnh đó kết hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tụ điểm thu gom, vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, trước những diễn biến mới, phức tạp của dịch cúm gia cầm, Sở Nông nghiệp & PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện theo đúng tiến độ đợt tiêm phòng vụ xuân, hè tập trung từ 10-3 đến 30-4; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm các cấp; chỉ đạo hệ thống Thú y địa phương phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm, nhằm phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời; công khai số điện thoại liên hệ để tiếp nhận thông tin dịch. Riêng với huyện Nho Quan, Sở sẽ xin ý kiến UBND tỉnh cho phép huyện Nho Quan triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chống dịch, Chi cục Thú y sẽ đề nghị Cục Thú y cấp vắc xin.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng: Để phòng, chống dịch có hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc vệ sinh khử trùng chuồng trại, chủ động khai báo với chính quyền địa phương và ngành chuyên môn khi có dịch bệnh xảy ra.
Hà Phương